Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát, có giải pháp cụ thể tạo thuận lợi thúc đẩy triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp phát triển KTXH (Ảnh minh họa)
Đối với các địa phương có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ cao, điều tiết về ngân sách trung ương (16 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung rà soát, có giải pháp cụ thể tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trên địa bàn, nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nước.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao
Thủ tướng Chính phủ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, để tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã đề ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), Thủ tướng Chính phủ giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương; trong đó chú trọng việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ hàng tháng.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” và tổng kết 4 năm thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”.
Thông báo kết luận nêu rõ, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng ngành Lâm nghiệp phát triển bền vững luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tăng cường tính chống chịu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số ngày 16/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42%, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,5% đến 6,0%/năm, nâng cao năng suất rừng trồng bình quân lên 20 m3/ha/năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD; đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải thực hiện được 3 nhiệm vụ chủ yếu là: Thứ nhất là bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; thứ hai là phải phát triển và nâng cao năng suất của rừng; và thứ ba là nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp.
Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đầu tư, bảo vệ rừng
Để hiện thực hoá các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp; nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo vệ, quản lý, phát triển và khai thác rừng có hiệu quả...
Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.
Đồng thời tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế; lấy các doanh nghiệp làm động lực nhằm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu, tạo đầu vào cho người dân, liên kết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bên cạnh đó tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế, coi trọng thị trường nội địa, lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp...
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 886/QĐ-TTg, hoàn thành trong Quý III/2017; tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững năm 2018, và kế hoạch giai đoạn 2018-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng tiến độ xây dựng kế hoạch.
Các bộ, ngành, địa phương có thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; rà soát, xây dựng các dự án trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo, Văn phòng thường trực để tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững, hoàn thành trong tháng 8/2017.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bố trí, cân đối vốn ngân sách cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017; chỉ đạo các chủ đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh trong năm 2017. Đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để trồng rừng ngay, không để tồn quỹ.
Duy Thế