Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm là yêu cầu phổ biến của mọi nền sản xuất và đời sống xã hội, thể hiện trình độ hiện đại, văn minh của từng chế độ xã hội và quốc gia dân tộc. Đối với công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, yêu cầu này trở thành tất yếu vì đây là sự nghiệp giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng phát triển, đem lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho mọi người để đưa con người “từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do”.

Đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam phải trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, tức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình, có nền sản xuất công nghiệp hiện đại, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc. Xét theo tiêu chí cụ thể, đất nước phải đạt trình độ phát triển của 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện nay, bao gồm 7 nước công nghiệp phát triển, các nước công nghiệp hóa mới và một số quốc gia có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến. Để vượt qua mọi trở ngại, vươn mình lên tầm cao phát triển mới, Việt Nam rất cần phòng, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực, trước hết là lãng phí nguồn lực, lãng phí tài năng và lãng phí cơ hội.

Phòng, chống lãng phí nguồn lực là đòi hỏi cấp bách nhất. Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt thành tựu tăng trưởng kinh tế khá cao, ngay cả trong những thời điểm suy thoái kinh tế thế giới và dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, động lực tạo ra tăng trưởng trong trường hợp Việt Nam vẫn chủ yếu là từ tăng đầu tư và tăng lao động. Chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) của Việt Nam, tuy có bước chuyển biến, nhưng vẫn còn cao trong so sánh toàn cầu: năm 2022 là 5,13 điểm, thua xa so với 2 năm trước; năm 2023 vọt lên 6,0 điểm, tương đương những năm từ 2011 đến 2019, tức là lớn hơn khoảng 3 lần so với các nước cùng trình độ phát triển. Tình trạng tỷ lệ giữa tổng vốn đầu tư phát triển và quy mô GDP cao hơn tỷ lệ giữa tích lũy tài sản và quy mô GDP; năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) còn thấp… tồn tại từ nhiều năm nay, đang gây ra không ít nguy cơ cho một số cân đối kinh tế vĩ mô(1). Việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, tiêu hao rất lớn nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Yếu kém này do xuất phát điểm lạc hậu của nền sản xuất và cũng do đột phá chậm chạp về thể chế phát triển gây ra, rất cần được tháo gỡ kịp thời.

Để vượt qua mọi trở ngại, vươn mình lên tầm cao phát triển mới, Việt Nam rất cần phòng, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực, trước hết là lãng phí nguồn lực, lãng phí tài năng và lãng phí cơ hội.

Có những lãng phí do các nhân tố chủ quan tạo ra như sử dụng phung phí ngân sách, tài sản công; tiêu dùng xa hoa, xa xỉ; lợi ích nhóm trong phân bổ đầu tư; tệ quan liêu, bệnh giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trước các dự án treo, dự án ma,… đang làm lãng phí khối lượng nguồn lực khổng lồ, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân. Lãng phí này thật sự là “giặc nội xâm” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, đấu tranh phòng chống lãng phí là một phần của đấu tranh giai cấp, như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thẳng thắn vạch rõ.

Phòng, chống lãng phí nhân tài là đòi hỏi nóng bỏng đối với quốc gia, dân tộc ở những bước ngoặt vận động. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam rất cần trí tuệ, cống hiến, phụng sự của toàn thể nhân dân, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học, tầng lớp tinh hoa, đội ngũ nhân tài cả trong nước và đang định cư ở nước ngoài. Nhớ lại ngay sau khi Tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết bài “Tìm người tài đức” trên báo Cứu quốc: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”; “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”(2). Bản thân lãnh tụ Hồ Chí Minh là một tấm gương thu hút, trọng dụng nhân tài. Đông đảo nhân sĩ trí thức phong kiến, tư sản, trong nước và nước ngoài gạt bỏ cuộc sống phồn hoa, danh vọng tự nguyện phục vụ chế độ xã hội mới; lên chiến khu kháng chiến; hoặc trở về nước nhà trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Chính phủ không có gì đãi ngộ đáng kể, nhưng thực lòng tôn trọng nhân tài, tạo điều kiện cho nhân tài thể hiện tài năng với Tổ quốc. Bài học vô giá này còn nguyên giá trị cho Việt Nam trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học, tầng lớp tinh hoa, đội ngũ nhân tài rất cần môi trường lao động và cống hiến phù hợp, cả môi trường vật chất - kỹ thuật, chế độ, chính sách và môi trường tinh thần, học thuật. Lãnh đạo, quản lý đội ngũ nhân lực đặc thù này cũng phải có cách thức riêng, trong đó phải có sự hiểu biết về những đặc thù của lao động sáng tạo. Nhìn sang các nước đã thành công trên con đường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thấy rõ một trong những “chìa khóa” đó là xây dựng, trọng dụng và phát triển đội ngũ tinh hoa đủ tâm và tài phụng sự quốc gia, dân tộc, làm nên những kỳ tích của thế giới hiện đại.

Phòng, chống lãng phí cơ hội phát triển là đòi hỏi sống còn của nước đi sau như Việt Nam. Hiện tại, đất nước đang đứng trước không ít cơ hội lớn. Trước hết, đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục tồn tại trong khu vực và trên thế giới. Xu thế này mở ra cho đất nước không gian hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ổn định, an toàn với các đối tác quốc tế lớn, mà trên thực tế đã và đang tăng cường quy mô sản xuất-kinh doanh, đồng thời, chuyển cả hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đến thị trường Việt Nam. Hai là, xu thế toàn cầu hóa tiếp tục đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà thiếu nó, một nền kinh tế có độ mở rất lớn như nền kinh tế Việt Nam không thể hoạt động được. Ba là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội cho nước đi sau có thể về kịp, thậm chí về sớm đến đích phát triển, văn minh, hiện đại. Bốn là, thế và lực, xuất phát điểm và nguồn lực, sức mạnh và uy tín của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới đã tăng lên nhiều lần, tạo ra cơ đồ xán lạn để quốc gia, dân tộc vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ vĩ đại đã dự cảm ngay từ năm đầu dựng nước 1945.

Cơ hội, thời cơ đến và đi rất mau lẹ. Chỉ đội ngũ nào chuẩn bị đầy đủ kiến thức và bản lĩnh mới nhận biết kịp thời cơ hội và chớp thời cơ thành công. Bỏ lỡ cơ hội không chỉ là mất đi lợi thế hiện thời, mà là đánh mất cả tương lai. Ai có thể tranh thủ cơ hội, chớp đúng thời cơ và ai có thể chậm trễ với cơ hội, lỡ bước với thời cơ? Trước hết, đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược. Bởi vậy, riêng về phòng, chống lãng phí cơ hội phát triển, tuy là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trách nhiệm cuối cùng thuộc về đội ngũ lãnh đạo. Trước yêu cầu bức thiết này, việc thường xuyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trở thành yêu cầu có ý nghĩa chiến lược đối với tiền đồ của quốc gia, dân tộc, của sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

Trước kia, trong kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt huy động mọi sức mạnh vật chất và tinh thần, trong nước và quốc tế để tạo thành sức mạnh tổng hợp vĩ đại, sử dụng hiệu quả sức mạnh ấy trong các cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân, đế quốc hàng đầu thế giới. Ngày nay, để vươn lên đài vinh quang của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân phải biết kích hoạt mọi tiềm năng thành sức mạnh và sử dụng một cách hiệu quả mọi nguồn lực, sức mạnh với tinh thần tất cả cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
___________________
(1) //baodautu.vn/nhan-dien-tang-truong-kinh-te-duoi-goc-nhin-toc-do-va-chat-luong-d210914.html.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr504.

Theo Báo Nhân Dân