Ảnh minh hoạ
Nghiên cứu cho thấy, kể từ năm 2013, WHO đã nhận được 1.500 báo cáo về các sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn hoặc giả mạo. Trong số này, thuốc sốt rét và kháng sinh được báo cáo là phổ biến nhất.
Theo ước tính của Đại học Edinburgh (Scotland), với tỷ lệ 10% sản phẩm y tế không đạt chuẩn hoặc bị làm giả sẽ khiến hằng năm có từ 72.000- 120.000 trẻ em bị chết vì bệnh viêm phổi do các chất kháng sinh chưa đạt chuẩn và giả mạo.
Còn theo tính toán của Trường Y tế vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), có khoảng từ 64.000 - 158.000 ca tử vong do sốt rét vì các loại thuốc sốt rét không đạt chuẩn và giả mạo ở vùng hạ Sahara (châu Phi).
Điều này có nghĩa là việc mua những sản phẩm y tế giả hoặc kém chất lượng có thể khiến bệnh nặng thêm, thậm chí tử vong.
Thị trường thuốc giả Việt Nam
Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 25.000 mặt hàng thuốc tây với gần 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Mỗi mặt hàng lại có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau.
Còn theo dữ liệu từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hàng năm hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước đã lấy 30.000-40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Đáng nói ở chỗ, không mấy ai biết được thông tin thuốc bị đình chỉ, thu hồi. Với hệ thống các cửa hàng thuốc khá nhiều như hiện nay, thông tin thu hồi lại không được công khai tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc thì người bệnh như rơi vào mê cung, không có khả năng tự vệ trước các loại thuốc kém chất lượng đã bị cấm lưu hành.
Đó là chưa kể đến thuốc kém chất lượng, thuốc có chứa hoạt chất cấm chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra sau 1 thời gian lưu hành không ngắn. Nhiều loại thuốc, trước khi có lệnh thu hồi đã được bán trên thị trường và được rất nhiều người bệnh dùng. Không ít người bệnh đã phải mất tiền mua thuốc kém chất lượng.
Cơ quan chức năng nhận định, sản phẩm thuốc giả thường có thương hiệu nổi tiếng và biệt dược, vì có giá thành cao. Thuốc được xác định là giả khi thành phần không có dược chất, hoặc có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; dùng tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Hiện, gần 600 hoạt chất nước ngoài đã vào Việt Nam.
Việc sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.
Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, kết hợp cùng thói quen mua, bán thuốc không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ tại Việt Nam chính là môi trường thuận lợi để thuốc giả tung hoành.
Dương Tú