Thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,11%) xuống 1.393,8 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 198 mã tăng, 60 mã tham chiếu, 245 mã giảm. HNX-Index tăng 1,29 điểm (+0,33%) lên 388,29 điểm.
Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 155 mã tăng, 60 mã tham chiếu, 88 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 939 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 24.738 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 phần lớn đều kết phiên trong sắc đỏ, có thể kể đến như SAB (-2,1%), HDB (-1,6%), PLX (-1,6%), BVH (-1,5%), SSI (-1,5%), VCB (-1,5%), FPT (-1%)... đã tạo áp lực điều chỉnh lên chỉ số. Ở chiều ngược lại, chỉ có một vài cổ phiếu lớn là còn giữ được sắc xanh như: PDR (+3,1%), VRE (+2,1%), MSN (+1,5%), PNJ (+1%), TCB (+0,9%)... là không đủ sức để giúp giữ vững sắc xanh trên thị trường.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm chịu áp lực chốt lời và đồng loạt kết phiên trong sắc đỏ như: BVH (-1,5%), PVI (-4%), BMI (-1,8%), MIG (-1,6%), BIC (-2%)... Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có một phiên giao dịch khá tiêu cực với phần lớn các mã đều giảm như: VND (-1,1%), VCI (-1,5%), CDS (-3,1%), VIX (-0,7%), HCM (-0,8%), APS (-1%), SBS (-3,3%)...; chỉ có SHS (+0,5%), FTS (+1,4%) là giữ được sắc xanh.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng mạnh. Diễn biến đáng chú ý trong phiên 20/10 là việc thị trường giảm mạnh và nhanh về vùng hỗ trợ 1.375-1.380 điểm vào cuối phiên giao dịch rồi hồi phục trở lại ngay sau đó. Điều này cho thấy bên mua và bên bán vẫn đang giằng co ở vùng giá hiện tại và chưa bên nào thắng cuộc. Khối ngoại bán ròng mạnh với 1.400 tỷ đồng trên hai sàn cũng tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường chung.
“Hôm nay 21/10 là ngày đáo hạn của hợp đồng VN30F2110 nên những biến động mạnh có thể diễn ra, nhà đầu tư cần lưu ý điều này. Dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index có thể sẽ biến động mạnh, nhất là về cuối phiên”, chuyên gia của SHS lưu ý.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), chỉ số VN-Index tiếp tục di chuyển bên dưới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.400 điểm, tuy nhiên, nhịp rung lắc mạnh trong phiên 20/10 có thể tạo tiền đề cho chỉ số sớm vượt qua ngưỡng cản này.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 21/10, lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1.385 – 1.390 điểm có thể giúp VN-Index phục hồi trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.395 – 1.400 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.405 – 1.410 điểm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng, khả năng VN-Index sẽ có biến động mạnh trong phiên hôm nay, nhất là khi chỉ số này đang ở vùng cản mạnh, và hôm nay cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 10”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, hiện tượng thị trường xuất hiện các nhịp tăng/giảm mạnh xung quanh thời điểm các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục và phiên đáo hạn phái sinh là điều thường thấy và sẽ không gây ảnh hưởng nhiều lên xu hướng chung của chỉ số.
“Thị trường sẽ tiếp tục trạng thái lình xình đi ngang đến cuối tháng do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp trong Quý 3 này không quá khả quan. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức thấp và tình hình dịch bệnh được kiểm soát khá tốt tại các thành phố lớn, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để có thể tích lũy thêm cổ phiếu tốt cho giai đoạn Quý 4 và năm 2022”, chuyên gia của Agriseco nhận định đồng thời khuyến nghị: “Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp giảm để gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng như: bất động sản, xuất khẩu, đầu tư công và vật liệu xây dựng”.
Trúc Mai (T/h)