LTS: Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), công tác này đã có chuyển biến rõ rệt và bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành được nâng lên, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng được đề cao.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn có những tồn tại, hạn chế; tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, làm thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế; nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng các chính sách ưu đãi, thông thoáng của Chính phủ để đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào thị trường trong nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như xé nhỏ hàng hóa chuyển thành hành lý xách tay rồi thuê người vận chuyển qua các trạm kiểm soát Hải quan.
Phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và chuyển tải đến bạn đọc thông tin chân thực nhất.
Nằm tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Lào Cai có vị trí chiến lược tại vùng Tây Bắc Việt Nam, dễ dàng kết nối với các tuyến giao thông quan trọng trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ là điểm giao thương chiến lược mà còn là cửa ngõ văn hóa và du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực và đất nước. Chính vì vậy, cửa khẩu thu hút rất đông lượng người qua lại giữa hai quốc gia mỗi ngày.
Nhắc tới Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, không mấy ai không biết hoạt động giao thương tại đây diễn ra sầm uất.
Chuyện của “cửu vạn” vali
Điểm nổi bật nhất khi du khách tới cửa khẩu này là được chứng kiến từng tốp người đẩy những chiếc vali kềnh càng nặng chịch, rảo bước thật nhanh qua khuôn viên của cửa khẩu. Họ là ai? Trong những chiếc vali kia có gì? Đó là câu hỏi của không ít người khi lần đầu tiên đặt chân đến với Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Trong vai là chủ hàng, có nhu cầu tìm đội chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua trạm kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Người phụ nữ tên T đã được phóng viên (PV) tìm đến. Người phụ nữ này chia sẻ, đã sống và làm việc ở đây rất lâu rồi, nên mọi hoạt động ở đây chị “nắm được hết”.
Người phụ nữ tên T thông tin, “đánh” hàng từ Trung Quốc về, thời điểm (tức cuối năm 2024), đi hàng giày dép, quần áo và hàng gia vị là an toàn nhất. Chị T nhấn mạnh, nếu “đi” các hàng trên sẽ “đi” (tức vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu – PV) được nhiều mà những mặt hàng này lại nằm trong danh mục được kê khai để được “qua” (lọt qua vòng kiểm tra hải quan – PV).
Hình thức chuyển hàng được người phụ nữ này chia sẻ: Nếu “đánh” hàng giày dép, gia vị thì nên chia nhỏ hàng hóa để thuê đội “cửu vạn vali” đẩy hàng về. Mỗi chuyến đẩy qua trạm kiểm soát được tính giá 50.000 đồng/chuyến đối với giày dép; 30.000 đồng/chuyến đối với hàng gia vị. Áp dụng số lượng 20 đôi giày, dép/chuyến; 10kg gia vị/chuyển.
Chị T bày tỏ: “Nếu anh “đánh” lô hàng 500 đôi giày qua biên sẽ phải chia nhỏ thành 25 vali của đội phu hàng để vận chuyển, như vậy với 500 đôi giày muốn kéo về Việt Nam chỉ mất vỏn vẹn 750.000 đồng, mất hàng đội vận chuyển sẽ chịu trách nhiệm”.
“Cửu vạn” vali khẳng định: Lãi nhất vẫn là hàng gia vị
Theo chị T, thời điểm này “đi” hàng thì mặt hàng cho lãi nhất vẫn là hàng gia vị. Hàng gia vị được người phụ nữ này cho biết là những mặt hàng bao gồm: Muối ớt Trung Quốc, các loạt hạt khô gồm lạc, đỗ các loại, vừng,… “Mỗi chuyến 10kg thì xách tay về được rất nhiều mà chi phí thì chẳng đáng bao nhiêu”, chị T nói.
Vậy là đã rõ, nhóm người đẩy vali kia là “cửu vạn vali”, họ là những người được thuê để đẩy hàng qua biên giới.
Theo tìm hiểu của PV, để có được “công cụ làm việc”, nhóm “cửu vạn vali” này phải tự bỏ tiền chỉ trả mua sắm cho mình những chiếc vali kích thước rất lớn. Giá của những chiếc vali này dao động trên dưới 1 triệu đồng một chiếc.
Chị T tiết lộ, trong nhóm “cửu vạn vali” có cả những người được cơ quan chức năng tại cửa khẩu cấp thẻ ra vào, tự do di chuyển qua vùng kiểm soát hàng hóa. Chúng tôi rất muốn tiếp cận với những người này.
Dòng người xếp hàng dài chờ thông quan
Ghi nhận lúc 10h sáng ngày đầu đông 2024, tại trạm kiểm soát hải quan giáp bờ sông trên đường Nguyễn Quang Bích, dòng người đứng xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm tra hàng hóa để chuẩn bị thông quan.
Trực tiếp kiểm tra hàng hóa tại trạm này là 2 cán bộ thuộc lực lượng Hải quan và 1 cán bộ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Tới lượt, người đẩy chiếc vali kềnh càng tới trước mặt cán bộ Hải quan, Bộ đội Biên phòng vội chìa ra tờ giấy khai báo rồi nhanh chóng mở vali để cán bộ kiểm tra hàng hóa bên trong. Ước tính thời gian kiểm tra hàng hóa chừng khoảng 3-5 phút/người.
Cứ thế, lần lượt những chiếc vali cồng kềnh được đẩy qua trạm kiểm soát hải quan một cách nhanh chóng.
Ra khỏi trạm kiểm soát, một đội đứng đón những chiếc vali ấy, đưa vào vị trí tập kết để tháo dỡ hàng bên trong. Chờ gom đủ hàng, những chếc xe thồ, xe máy chuyên dụng lại hối hả đặt hàng lên xe để di chuyển đi nơi khác.
Tính chừng chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, hàng chục chuyến hàng đựng trong vali cồng kềnh được đẩy qua trạm kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Theo tính toán của “cửu vạn vali” thì, với số lượng khoảng 1.000 đôi giày được vận chuyển trót lọt qua cửa khẩu này, chủ số hàng này đã đủ số lượng để mở một cửa hàng bán giày hoành tráng. Ngoài tiền chi phí rất rẻ để thuê người mang hàng qua trạm kiểm soát một cách công khai, chủ của số hàng này không phải mất bất kỳ đồng thuế nhập khẩu nào.
Nhiều ngày có mặt tại khu vực này, phóng viên đều ghi nhận được những cảnh quen thuộc như trên.
Vấn đề đặt ra
Theo Điều 16, Luật Thuế xuất, nhập khẩu quy định: “Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới thuộc Danh mục hàng hóa và trong định mức để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới” thì được miễn thuế.
Nhưng, cũng tại Điều 16 có quy định rất rõ: “Trường hợp thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh ở chợ biên giới thì phải nộp thuế”. Vậy, việc những “cửu vạn vali” chuyển đẩy hàng hóa mỗi ngày thường xuyên ra vào khu kiểm soát cửa khẩu, việc tập kết, gom hàng của những chủ hàng diễn ra công khai ngay sát trạm kiểm soát tại cửa khẩu này, lực lượng chức năng có biết?
Được biết, thời gian qua, ngoài các trạm kiểm soát, tổ công tác Biên phòng theo biên chế thường xuyên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai hiện đang duy trì các tổ, chốt chặn cố định và tổ tuần tra cơ động do Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện nhiệm vụ trực 24/24, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, phối hợp giữa kiểm soát cố định, định kỳ với tuần tra lưu động, đột xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép cũng như kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Tuy nhiên, trước những ghi nhận của phóng viên, chúng tôi rất muốn cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài đủ mạnh để hàng hóa nhập lậu không tồn tại, tránh gây thất thu thuế đối với Nhà nước.
Đầu mối điều hành hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hình thức thuê đội “cửu vạn vali” đẩy hàng qua trạm kiểm soát là những ai? Để “lọt” qua được Điểm kiểm soát biên phòng trên, những người vận chuyển hàng hóa trên đã phải làm gì? Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
(Còn nữa)
Nhóm PV