Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền; phát hiện kịp thời các mặt hàng không đảm bảo chất lượng (mốc, mọt…), không có tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không được kinh doanh các mặt hàng này.
Cụ thể, các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức kiểm nhập dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền theo đúng quy định; Chỉ cho nhập kho các mặt hàng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; Định kỳ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại kho bảo quản theo đúng các quy định hiện hành.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức để không sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền không có xuất xứ, nguồn gốc. Đồng thời phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố cáo các cá nhân, tổ chức vi phạm (thông qua đường dây nóng của Sở Y tế).
Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền ở các cơ sở kinh doanh, sử dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các dược liệu như: Sinh địa, ngưu tất, trạch tả, đan sâm, tần giao, hà thủ ô đỏ, thiên ma, phòng phong, khương hoạt, hoàng kỳ.
PV