Chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm
Có nhiều nét đặc trưng về địa hình, khí hậu nên Thanh Hóa có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thanh Hóa luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân các địa phương.
Chương trình OCOP được tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai dựa trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn... Từ đó, xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh trong nước.
Chương trình không chỉ góp phần giúp các nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm phong phú trên thị trường; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm được công nhận OCOP. Những sản phẩm này, không chỉ mang đặc trưng riêng của từng địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thanh Hóa vươn lên đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các chủ thể, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng.
Hiện, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu vào thị trường Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP từ cói xuất khẩu trực tiếp và bán ở 64 siêu thị tại Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; dứa đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Úc...
Xây dựng cơ chế riêng để hỗ trợ sản phẩm OCOP
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.
Để trợ lực phát triển Chương trình OCOP, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, không chỉ sản phẩm được nâng sức cạnh tranh mà còn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Ðể phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 120 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các huyện sẽ phải đăng ký số lượng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở số liệu từ các huyện báo cáo về, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ có văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện.
Hoài Thu