Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 12 trận thiên tai (bao gồm 2 cơn bão, 1 đợt rét hại, 3 trận lốc, 1 trận lốc kèm theo sét, 4 đợt mưa, lũ và 1 trận sạt lở đất). Trên đất liền, xảy ra 392 vụ tai nạn, sự cố; trên biển và khu vực biên giới, xảy ra 29 vụ tai nạn.
Thiên tai đã làm 1 người chết; 42 nhà bị hư hỏng; 7.576 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 42.988 con gia súc, gia cầm bị chết; sụt sạt 1.010m đê điều; hư hỏng 10 đập, hồ chứa, 8 cống, sạt lở 5.096m kênh mương các loại; đường giao thông (trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh) bị sạt lở, sa bồi với khối lượng khoảng 59.573m3 và nhiều tài sản khác. Ước tính, giá trị thiệt hại khoảng 679 tỷ đồng.
Trước diễn biến của thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ chứa, giao thông; tiêu úng bảo vệ cho diện tích lúa và hoa màu; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng Nhân dân để thu hoạch ngay diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”...
Đặc biệt với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và người dân, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố gây ra được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn do thiên tai, sự cố; huy động lực lượng, phương tiện để giúp Nhân dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, hướng dẫn khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại, tổ chức khắc phục các sự cố; đồng thời thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự trong năm qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nhận định xu hướng thời tiết năm 2023; đồng thời, thảo luận, đánh giá thêm về thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, địa phương; đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai, tuy không nghiêm trọng, nhưng vẫn để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Song, với sự chỉ đạo đồng bộ, sáng tạo, quyết liệt, có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở nên thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và cảm ơn các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, các ngành, các địa phương đã vào cuộc đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt để đạt kết quả tích cực trong năm 2022.
Dự báo năm 2023 tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và chứa đựng yếu tố hy hữu, bất ngờ, vì vậy, các ngành, các địa phương cần xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tại gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục giữ vững nguyên tắc trong hoạt động phòng chống thiên tai, không được chủ quan lơ là, không hoang mang, lúng túng khi sự việc xảy ra; phương châm hành động là chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt.
Lê Nam