Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” do Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức vào chiều 25/11.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009, qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, đến nay ngành bia vẫn chịu nhiều tác động nhất với mức thuế suất là 65%.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam.
Các kết quả chính của Báo cáo chỉ ra, những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách Nhà nước, với trung bình khoảng gần 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6 - 6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Đánh giá về các tác động tăng thuế, nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án, gồm phương án 1 và phương án 2 của Bộ Tài Chính (PA1, PA2), và phương án 3 - VBA (PA3).
Theo đó, mức độ tác động tới ngành bia và nền kinh tế so với kịch bản tăng trưởng (6,5%) theo mục tiêu Quốc hội đề ra: GDP và tăng trưởng GDP phương án 1 giảm 14.276 tỷ đồng (tương đương 0,0354%); phướng án 2 giảm 32.5259 tỷ đồng (tương đương 0,08%); phương án 3 giảm 8.590 tỷ đồng (tương đương 0,0172%).
Giá trị tăng thêm ngành bia phương án 1 giảm 44.359 tỷ đồng (tương đương 9,4%); phương án 2 61.899 tỷ đồng (tương đương 13,12%); phương án 3 giảm 38.329 tỷ đồng (tương đương 6,5%).
Tác động tới 22 ngành trong quan hệ liên kết ngành và tới các nhân tố của giá trị tăng thêm, bao gồm giá trị tăng thêm của nền kinh tế (GVA) phương án 1 giảm 10.169 tỷ đồng (tương đương 0,028%); phương án 2 giảm 13.546 tỷ đồng (tương đương 0,038%); phương án 3 giảm 6.577 tỷ đồng (tương đương 0,028%).
Thu ngân sách nhà nước với phương án 1 thuế gián thu tăng 6.469 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 1.320 tỷ đồng; phương án 2 thuế gián thu tăng 8.559 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 1.752 tỷ đồng; phương án 3, thuế gián thu tăng 4.186 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 856 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, với cả ba phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng. Nhưng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn.
Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn phương án 3 vì hài hòa hơn về các mục tiêu, đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách.
Tại sự kiện các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý Nhà nước, cũng như sự ổn định đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.
Các doanh nghiệp ngành đồ uống sẽ tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế, phí. cùng với việc tiên phong thực hiện các hoạt động trách nhiệm đối với xã hội, môi trường. Quan điểm đồng hành nhất quán của ngành đồ uống với Chính phủ và người dân lùi hiệu lực tới năm 2027; Giãn lộ trình tăng 2 năm một lần, mỗi lần tăng 5% đến năm 2031.
Ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, báo cáo kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin đáng tin cậy, có giá trị tham khảo hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ, ban soạn thảo và các bộ ngành liên quan để tham khảo, xem xét các tác động toàn diện của đề xuất điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, hướng tới một chính sách thuế phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế đánh giá cao về cách đặt vấn đề cũng như tiếp cận vấn đề rõ ràng của đề tài và đồng tình với quan điểm cần phải điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo PA2 thì quá cao và sốc, còn đối với PA1 tăng 5% là tương đối hợp lý nhưng cần lưu ý đến lộ trình rõ ràng 2 năm tăng 1 lần hay 1 năm tăng 1 lần.
Ông Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập VNEconomy cũng đồng tình quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia, nhưng đề xuất cần xem xét về lộ trình và giãn thời gian tăng thuế để tránh sốc cho doanh nghiệp.
Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam cho rằng, các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đều gây tác động đến nền kinh tế, tuy nhiên phương án 2 gây tác động mạnh nhất. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 còn đối mặt với nhiều thách thức do những tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi đó sức mua trong nước sụt giảm. Cần có một phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hài hòa để đạt được các mục tiêu tăng thu ngân sách, mà vẫn bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng và hỗ trợ ổn định cho môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Nguyễn Kiên