Tại Gia Lai, thời gian qua đã xuất hiện 4 ổ dịch bạch hầu, nâng tổng số lên 24 ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Gia Lai đang tổ chức khống chế, khoanh vùng, dập dịch tại các xã như Ia O (1 ca), huyện Ia Grai và các xã: Hải Yang (19 ca), Đắk Sơ Mei (3 ca), Hnol (1 ca) thuộc huyện Đắk Đoa. Theo lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai, tình hình kiểm soát dịch hiện khó khăn bởi nhiều ca bệnh không xuất hiện triệu chứng nên việc lây lan diễn ra âm thầm.
Còn tại Kon Tum, tính đến chiều ngày 17/7 đã ghi nhận 29 ca bệnh, tất cả đang được điều trị, cách ly theo dõi tại các cơ sở y tế. Theo CDC tỉnh Kon Tum, trên địa bàn hiện ghi nhận 14 ổ dịch bạch hầu, gồm Thành phố Kon Tum (2 ổ dịch), Đăk Hà (2 ổ dịch), Đắk Tô (6 ổ dịch), Sa Thầy (4 ổ dịch).
Ở Đắk Lắk, chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày, địa phương ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, nâng số ca bệnh bạch hầu lên thành 17 ca (thời điểm chiều 17.7), phân bổ ở các huyện Lắk, M’Đrắk, Cư Mgar, Krông Bông và Cư Kuin. Đáng chú ý, có một người phụ nữ T.T.V. (19 tuổi, huyện Krông Bông) mang thai tuần 39 bị nhiễm bạch hầu đã hạ sinh thành công một bé gái nặng 3kg. Cả hai mẹ con vẫn đang được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sức khỏe ổn định.
Đặc biệt, nhiều ngày nay, ở Đắk Nông, ngành Y tế chưa thông báo ca nhiễm nào mới. Tuy vậy, Đắk Nông vẫn đang ‘’dẫn đầu’’ vùng Tây Nguyên về số lượng ca nhiễm bệnh. Ít ngày trước, tỉnh này vừa nhận chuyển giao để lập phòng xét nghiệm nhanh phát hiện bệnh bạch hầu từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Đây là địa phương đầu tiên của vùng Tây Nguyên có cơ sở y tế để phát hiện nhanh bệnh này. Phía CDC Đắk Nông thông tin rằng, địa phương vẫn đang kiểm soát tốt dịch.
Lực lượng y tế tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người dân ở vùng dịch tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Trí
Như vậy, toàn vùng Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) đã có 4 tỉnh ghi nhận các trường hợp nhiễm bạch hầu. Cụ thể, Đắk Nông 30 ca, Đắk Lắk 17 ca, Gia Lai 24 ca và Kon Tum 29 ca. Tổng cộng có 100 ca nhiễm bệnh, 3 ca tử vong.
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: ‘’Khi dịch bạch hầu bùng phát, với kinh nghiệm đã triển khai trong mùa dịch COVID-19, ngành Y tế Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ y tế cấp cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phòng dịch một cách nhuần nhuyễn. Các ổ dịch bạch hầu đa phần xuất hiện ở những vùng sâu, vùng xa nên chúng tôi đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay phòng chống dịch, hỗ trợ lương thực cho bà con.
Khi được Bộ Y tế cấp vaccine, chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm phòng cho người dân ở những thôn buôn, tổ dân phố có ổ dịch. Lần tiêm chủng mở rộng tới sẽ diễn ra trong 2 đợt, cách nhau một tuần’’.
CDC Đắk Nông xác nhận, ngành Y tế tỉnh vừa tiếp nhận 70.000 liều vaccine từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để giúp người dân tại các ổ dịch phòng bệnh bạch hầu. Trước mắt, Đắk Nông sẽ phân bố số vaccine này về 3 huyện đã xuất hiện các ổ dịch. Tất cả người dân đang sống trong các vùng trên sẽ được tiêm phòng đầy đủ.
Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai - cho hay, sau khi nhận được thêm vaccine chuyển về, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành tiêm khoảng 3.000 mũi chủng mở rộng và tiêm vét cho người dân ở huyện Đắk Đoa. Song song với việc khoanh vùng dập dịch triệt để, ngành chức năng vừa tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường nhằm khống chế dịch bệnh lây lan và điều trị dự phòng bằng kháng sinh Erythromycin.
CDC Kon Tum cũng đã nhận 100.000 liều vaccine từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và đang tổ chức cấp phát cho các trung tâm y tế huyện, thành phố để tổ chức tiêm chủng mở rộng. Đối với các ca là người lành mang trùng, ca nghi ngờ mắc bệnh sẽ được cách ly, điều trị kịp thời, ông Võ Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum - chia sẻ.
Trúc Mai