Sản xuất công nghiệp: Vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng như tháng 6/2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 7,9%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,8%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 6,1%; sản xuất trang phục giảm 4,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,4%; sản xuất kim loại giảm 2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,7%; dệt tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 15,9%; khai thác quặng kim loại tăng 15,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất cùng tăng 7,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: ô tô giảm 22,3%; bia giảm 14,9%; dầu thô khai thác giảm 13,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,3%; sắt thép thô giảm 9,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%; thép cán giảm 4,9%; alumin tăng 1,2%; điện sản xuất tăng 2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,9%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu các loại tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; ti vi tăng 12,4%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; phân ure tăng 7,7%; thuốc lá bao các loại tăng 7,4%.
Ảnh minh họa
Ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn
Cụ thể, ngành dệt may: sản xuất dệt tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%. Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.
Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 7 tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 7 tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 23 tỷ USD, tăng 24,3%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 25,65 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến những tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Thị trường ô tô đang trên đà hồi phục, ngành gỗ kỳ vọng những tháng cuối năm
Ngành sản xuất xe có động cơ tháng 7 đã tăng 2,7% so với tháng 6. Sản lượng sản xuất tháng 7 ước đạt 17,9 nghìn chiếc, tăng 3,3% so với tháng trước. Có thể nói, từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí đã tạo điều kiện cho thị trường ô tô trong nước bắt đầu tăng trưởng. Theo số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 6/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe VAMA đã tiêu thụ được tổng số 24.002 xe, tăng 26% so với tháng trước. Trong tháng 6, cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng. Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không xuất khẩu được. 7 tháng năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 12,9%).
Trong 5 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định EVFTA được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên.
Sản lượng điện sản xuất tăng 2% so với cùng kỳ
Ngành điện: Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng năm 2020 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng cao do thời gian qua có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài nhất trong 27 năm qua, trong khi đó hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện, tình hình thủy văn nước về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giảm so với kế hoạch...
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 7 đã tăng 2,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất tháng 7 ước đạt 21.709,1 triệu kWh, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 134.104,4 triệu kWh, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019. Điện thương phẩm tháng 7 ước đạt 19.590 triệu kWh, giảm 0,9% so với tháng 6 và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, điện thương phẩm ước đạt 122.764,3 triệu kWh, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Trước tình hình thủy văn các hồ thủy điện được dự báo tiếp tục không có nhiều diễn biến tích cực và nhu cầu phụ tải tăng cao do nền nhiệt độ trung bình có khả năng tiếp tục tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm, để đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng còn lại của năm 2020, các nguồn thủy điện sẽ tiếp tục được huy động theo tình hình thủy văn thực tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du; các nguồn nhiệt điện than sẽ được huy động tối đa công suất; các nguồn điện tuabin khí sẽ được huy động tối đa theo khả năng cấp khí của các hệ thống cung cấp khí cho phát điện. Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và mặt trời) sẽ được huy động tối đa theo khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão; Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.
Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp.
Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, đặc biệt là các dự án nguồn điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các dự án nhiệt điện tại khu vực phía Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Hoàn thiện trình Chính phủ Quy hoạch Điện VIII trong năm 2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, triển khai các dự án điện và quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc Quy hoạch phát triển điện lực (cơ chế cấp bách). Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành quy trình liên thông cấp điện qua lưới điện hạ áp, trung áp theo trình tự rút gọn.
Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường. Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Tập trung xử lý hàng tồn kho; Duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế.
Minh Anh
Tin mới
Việt Nam không ngừng có những đóng góp rất quan trọng cho Liên Hợp quốc
Đó là khẳng định của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 78 Dennis Francis khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Liên Hợp quốc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 79.
Đêm nay, không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ
Khoảng đêm 21/9 và sáng sớm 22/9, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến hầu hết khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Bà Đặng Bích Hà sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến
Lễ an táng bà Đặng Bích Hà được tổ chức vào 6h sáng 29/9 tại Vũng Chùa - Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ.
Chủ tịch Tập đoàn VinGroup đề xuất đẩy mạnh đầu tư đào tạo, nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội...
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup chia sẻ: Hội nghị thường trực Chính phủ với doanh nghiệp là hành động truyền lửa để cộng đồng doanh nghiệp như VinGroup có thêm động lực, năng lượng phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa.
Doanh nhân Hải Yến giữ vai trò Phó ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024
Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam, một cuộc thi nhan sắc tôn vinh vẻ đẹp và trí tuệ của người phụ nữ Việt, bên cạnh đó là thông điệp giá trị ý nghĩa về bảo vệ môi trường biển.
Đồng Nai: “Nhà lầu ông Phủ” 100 năm tuổi có nguy cơ bị đập bỏ
Nằm trong quy hoạch dự án đường ven sông ở TP. Biên Hòa, căn biệt thự 100 năm tuổi của Đốc phủ Võ Hà Thanh khả năng sẽ bị đập bỏ.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM