Doanh nghiệp dệt may sợ không kịp tiến độ giao hàng như hợp đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không ít DN tại TPHCM đã có những hướng đi riêng, để vượt qua khó khăn để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Gia Định, cho biết tình hình của các doanh nghiệp xuất khẩu da giày hiện nay khá căng. Lý do là da giày đang vào mùa, đơn hàng nhiều, thời gian giao hàng cho các đối tác cũng đã ấn định trước. Nhưng nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, các DN đông công nhân như giày Gia Định cũng đang thực hiện nghiêm theo chỉ thị này. 

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày đang cố xoay trở để sản xuất an toàn giữa dịch bệnh. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày đang cố xoay trở để sản xuất an toàn giữa dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Theo đó, bộ phận sản xuất phải thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn. Công nhân sẽ phải cho nghỉ bớt, chia làm theo ca. Chưa kể có nhiều công nhân nằm trong những quận, khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc những vùng có ca lây nhiễm, nghi nhiễm, doanh nghiệp phải cho nghỉ tạm thời. 

Bộ phận văn phòng cũng phải đảm bảo giãn cách. Những điều này đang làm doanh nghiệp lúng túng  trong sản xuất, vì khả năng cao sẽ không kịp tiến độ giao hàng như hợp đồng. 

"Chúng tôi cũng có đàm phán với các đối tác mua hàng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Những đơn hàng nhỏ còn dễ, còn đơn hàng làm cho các thương hiệu lớn thì không đơn giản, vì họ cũng đã lên kế hoạch từ trước", ông Trung cho biết. 

Song ông Trung cũng khẳng định dù khó khăn và ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh nhưng  doanh nghiệp luôn đồng hành, chấp hành nghiêm quy định của thành phố vì an toàn chung. 

"Chỉ một chút lơ là, chủ quan nếu không may dịch bùng phát tại chính doanh nghiệp thì không chỉ ảnh hưởng kinh tế đơn thuần, mà còn có thể đẩy doanh nghiệp vào nhiều khó khăn không lường trước hết", ông Trung nói. 

Cũng là ngành sử dụng nhiều lao động, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cho biết doanh nghiệp ông phải thực hiện làm việc theo ca, để đảm bảo giãn cách. Doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành nhưng cũng không khỏi lo lắng, vì đơn hàng nhiều. Công nhân vốn đã thiếu nay lại phải chia làm theo ca, khả năng giao hàng không đúng hạn là rất cao. 

Tất nhiên lo lắng là vậy, nhưng đảm bảo an toàn vẫn là điều doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. 

Doanh nghiệp lớn đông công nhân nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp nhỏ cũng không dễ thở hơn chút nào trong bối cảnh dịch và giãn cách như hiện nay. 

Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (chuyên làm bột  rau sấy lạnh), cho biết đợt dịch năm ngoái công ty còn trụ vững, nhưng qua đến đợt dịch này thì thực sự quá khó khăn. 

Mấy ngày này thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, cả bộ phận văn phòng và sản xuất đều phải giảm người. Mặt khác do dịch nên doanh số bán hàng thời gian này giảm mạnh tới 50%. Hàng xuất đi Châu Âu thì giảm tần suất, do nhiều chi phí tăng cao, hàng tiêu thụ trong nước cũng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

"Trước đây chúng tôi hay tham gia bán hàng ở nhiều triển lãm, phiên chợ sạch, nhưng dịch đã khiến kênh bán hàng này không thể duy trì. Chúng tôi đang nỗ lực cắt giảm chi phí để có thể tồn tại qua dịch", chị Hương chia sẻ. 

Khó khăn là thế nhưng khi được sự kêu gọi của hội hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty Thiên Nhiên Việt với sản phẩm bột rau má Quảng Thanh, đã nhanh chóng chung tay đóng góp sản phẩm đồng hành cùng các y bác sĩ khu vực Gò Vấp trong nỗ lực dập dịch. 

Dù sản xuất trong điều kiện giãn cách thì các doanh nghiệp còn mở cửa hoạt động vẫn may mắn. Những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ, giải trí đang đứng trước bờ vực phá sản bởi hơn một năm qua, thời gian đóng cửa liên tục lặp lại và kéo dài. Mới đây nhất , các doanh nghiệp trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng, xin hỗ trợ để tránh phá sản vì đại dịch. 

Theo các doanh nghiệp, hiện doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng không, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên. Với tình cảnh ấy, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào thế phá sản. 

Liên kết để tồn tại và phát triển

Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đại dịch Covid-19 thực sự là liều thuốc thử đối với các doanh nghiệp. Để vượt qua khó khăn trong thời điểm này, ngoài việc tận dụng mọi cơ hội để củng cố nội lực, các doanh nghiệp cần phải tập hợp lại để tận dụng sức mạnh, lợi thế của nhau.

“TPHCM đang bàn mở ra những diễn đàn để các doanh nghiệp kết nối với nhau, tìm ra những giải pháp, vượt qua khủng hoảng để tồn tại trong thời điểm này. Các doanh nghiệp  tăng tinh thần đoàn kết trong và ngoài ngành, doanh nghiệp với người lao động và đặc biệt, doanh nghiệp với chính phủ để cùng tạo ra hiệu ứng tốt cho nền kinh tế”, ông Phạm Phú Trường cho hay.

Tìm hướng đi để tồn tại trong bối cảnh khó khăn hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững mà còn có thể thích ứng, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội ngay trong khó khăn. Chính điều này góp phần tạo nên thương hiệu của các doanh nghiệp Việt hiện tại và tương lai./.

Phương Thảo

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)