THCL - Sai phạm nghiêm trọng tại dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) “lộ sáng” đã phần nào phản ánh một bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý, giám sát của một số sở, ngành... thuộc UBND TP. Hà Nội.

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 1

Dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội)

Hai sở và UBND huyện Thanh Trì đều “dính” sai phạm

Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm tại dự án Đại Thanh là do sự tha hóa, biến chất, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý... của một số cán bộ sở, ngành, TP. Hà Nội.

Tại Báo cáo thanh tra của UBND TP. Hà Nội số: 2540/BC-TTCP (P4) ngày 30/9/2013, đã chỉ rõ nhiều sai phạm tại Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND huyện Thanh trì.

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 2

Báo cáo của Thanh tra TP. Hà Nội năm 2013

Theo báo cáo này, sai phạm trước hết thuộc về Sở TN&MT và người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Trọng Đông – Giám đốc.

Tại dự án Đại Thanh, chủ đầu đã nộp hồ sơ từ năm 2011. Đến tháng 7/2011, Sở TN&MT đã gửi Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế Hà Nội, UBND huyện Thanh Trị đề nghị tham gia ý kiến thẩm định.

Sau đó, các sở, ngành và UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản gửi Sở TN&MT, nhưng sở này nhận các ý kiến rồi… “ngâm cứu” suốt nhiều năm sau đó, không thông báo kết quả cho chủ đầu tư để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án, chưa làm hết trách nhiệm, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, chưa kịp thời hướng dẫn, yêu cầu đơn vị bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo quy định, vi phạm Điều 10, Quyết định 02/2010/QĐ-UB ngày 18/1/2010 của UBND Thành phố.

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 3

Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Sự chậm trễ này là vô tình hay có chủ định? Phải chăng - đó là một kiểu “hành” doanh nghiệp để thêm rào cản rườm rà, chi phí cho các thủ tục hay là một sự lãng quên, một kiểu vận dụng tùy tiện bất chấp pháp luật?

Đến cuối năm 2014, hậu quả nhãn tiền là hơn 7.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa được nộp. Số tiền này, chỉ tính riêng về lãi ngân hàng mỗi ngày, mỗi tháng đã làm thiệt hại cho ngân sách bao nhiêu? Số tiền này cũng đủ cho điều tiết một số công việc kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp?

Sai phạm này, không chỉ thuộc về Sở TN&MT, thời kỳ trước tháng 9/2013, mà ngay cả Giám đốc đương nhiệm, ông Nguyễn Trọng Đông - người đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 9/2013 đến nay, đã buông lỏng trách nhiệm, khiến sai phạm kéo dài, cùng hàng loạt hệ lụy pháp lý khác?

Đối với Sở Xây dựng, Báo cáo nêu rõ: Từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013, sở này có 3 văn bản yêu cầu các doanh nghiệp làm việc về quá trình thực hiện dự án và kiểm tra hoạt động sàn giao dịch bất động sản, nhưng các doanh nghiệp đều có công văn xin hoãn lịch làm việc.

Sở Xây dựng thiếu biện pháp kiên quyết tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý ngành hoặc báo cáo UBND Thành phố xử lý dẫn đến để tồn tại một dự án chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa giao đất đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án, xây dựng công trình sai quy hoạch được phê duyệt, bán sản phẩm cho khách hàng không thông qua sàn giao dịch bất động sản – vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài không bị phát hiện, xử lý.

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 4

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Theo đó, cơ quan thanh tra kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo: Kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Sở Xây dựng vì buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến để tồn tại một dự án phát triển nhà ở có nhiều vi phạm trên địa bàn thành phố.

Báo cáo cũng nêu rõ: UBND huyện Thanh Trì chưa kịp thời hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác GPMB, chưa trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB, còn thụ động chờ đơn vị báo cáo, hoàn thiện hồ sơ.

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 5

Một số lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì (thời điểm xảy ra sai phạm) cũng "dính" trách nhiệm

Trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai đối với dự án Đại Thanh còn buông lỏng công tác quản lý: Khi dự án vi phạm huyện không kiên quyết xử lý, báo cáo, đề xuất những biện pháp giải quyết đối với sai phạm của chủ đầu tư. Tháng 6/2013, khi Thanh tra thành phố làm việc và dự án đã xây dựng xong với số lượng lớn các hạng mục công trình, bán sản phẩm bất động sản cho khách hàng thì UBND huyện mới có văn bản báo cáo UBND thành phố về việc quản lý sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án.

Bất động sản “đen” - hàng loạt tiêu cực!

Sai phạm nghiêm trọng tại dự án Đại Thanh, có thể coi như một thứ bất động sản “đen”, kéo theo hàng loạt tiêu cực của sự bát nháo, chụp giật trong đầu tư kinh doanh bất động sản, làm méo mó, biến dạng bức tranh quy hoạch cũng như kỷ cương phép nước trong xây dựng ở Thủ đô.

Dự án Đại Thanh - một điển hình của việc “làm liều”, chạy theo lợi nhuận, đẩy hàng vạn công dân vào sự khốn khó, trong đó có nhiều người lao động nghèo phải chắt chiu cả đời mới có căn hộ để ở, nay bỗng dưng rơi vào thảm cảnh “khóc dở mếu dở” vì mua phải “vịt trời cao cấp” và sống trong tình trạng vô pháp (?).

Thực tế, hàng nghìn người dân đã và đang vô cùng bức xúc khi xây một bức tường, sửa một bậc cửa là có thanh tra xây dựng đến... hỏi thăm. Vậy mà, có tới 6 khối nhà cao hơn 3 chục tầng cùng hàng nghìn căn hộ khác mọc lên suốt mấy năm trời thì cứ "vô tư" xây dựng mà không bị xử lý? Hàng chục công văn, hàng chục đoàn kiểm tra cứ điệp khúc “kiểm tra – chỉ ra – để đó”, xong xuôi tất cả lại... về!

Cục Thuế Hà Nội ở đâu, khi không bỏ sót việc thu thuế của những tiểu thương “buôn thúng bán mẹt”, nhưng lại để lọt hàng nghìn thương vụ tiền tỷ, để lọt những dòng tiền như thác lũ trên thị trường bất động sản mang thương hiệu Đại Thanh vẫn chảy ồ ạt mỗi ngày và ầm ỹ thông tin quảng bá, môi giới?

Trong khi hàng vạn người dân Thủ đô vẫn hàng tháng còng lưng đóng thuế, hàng trăm doanh nghiệp làm ăn chân chính, cùng dư luận cả nước sẽ nghĩ gì về sự tha hóa, biến chất, buông lỏng quản lý của một số cán bộ lãnh đạo sở, ngành nêu trên?

Sai phạm tại dự án Đại Thanh (Hà Nội): Bức tranh “xập xệ” trong công tác quản lý? - Hình 6

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra đối với sai phạm của dự án Đại Thanh

Đã có một thời, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và nhiều sở, ngành khác ở Hà Nội buông lỏng trách nhiệm của mình, để sai phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng kéo dài, lan rộng, khiến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải chua xót, lắc đầu tiếc nuối khi quy hoạch đã bị băm nát, làm vỡ tan bao viễn cảnh, dự án tốt đẹp, chỉ vì những cán bộ có trách nhiệm đã bị lóa mắt, lãng quên nhiệm vụ?

Đây là lý do mà ngay đầu nhiệm kỳ mới này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải gửi thông điệp quyết liệt xử nghiêm những sai phạm đó.

Điều tra, khởi tố hình sự là điều có thể xảy ra. Song có lẽ, một điều quan trọng không kém đó là phải sớm làm rõ ngay trách nhiệm của những vị lãnh đạo đầu ngành ở địa phương, những ngành mũi nhọn liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch. Những người đã góp phần tạo ra "khối u" xấu xí - bất động sản Đại Thanh cần phải sớm được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh!

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc