Chống buôn lậu và hàng giả: Cuộc chiến không ngừng nghỉ
Năm 2023, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia - Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt nhiều kết quả tích cực. TH&CL lược một số nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng trong công tác này.
Phê duyệt Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT
Ngày 29/3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt “Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025”.
Đề án nhằm:
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng;
Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến;
Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Đề án hướng đến mục tiêu:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;
Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT;
100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Chống buôn lậu, hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm
Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 2635/VPCP-V.I về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
Theo đó, xét Báo cáo số 60/BC-VPTT ngày 5/4/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang giao:
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị theo kiến nghị của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản trên;
Bộ Công Thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025”, trong đó cần phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường TMĐT, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng;
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được giao.
Đề cao, gắn trách nhiệm người đứng đầu
Ngày 11/5, tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý I/2023; tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá:
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; một bộ phận cán bộ, công chức, sỹ quan thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm; cơ chế, chính sách còn bất cập, sơ hở; việc trao đổi thông tin giữa các ngành, lực lượng, đơn vị về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp...
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên và tạo chuyển biến căn bản, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó, tập trung làm tốt những nội dung chủ yếu sau.
Một là, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong chính các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh; đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê cho đối tượng buôn lậu.
Hai là, làm tốt công tác nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thuế suất cao.
Ba là, các lực lượng chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Năm là, các cơ quan báo chí phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập của các cơ quan chức năng; giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chủ động phối hợp chống buôn lậu
Ngày 24/6, tại buổi làm việc trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và đi kiểm tra thực tế công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Trạm kiểm soát biên giới Vĩnh Nguơn, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc (An Giang), Phó thủ tướng đánh giá cao sự chủ động phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân trong công tác quản lý biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tuyến biên giới và đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận lận thương mại và hàng giả thời gian qua.
Phó thủ tướng yêu cầu các cán bộ chiến sĩ cần tập trung nắm chắc tình hình, không để bị động trong mọi tình huống; chủ động phối hợp với các lực lượng (công an, hải quan, quản lý thị trường…) trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới, đặc biệt là hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cần phối hợp các lực lượng chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới; phòng chống các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại xuất, nhập cảnh trái phép, tội phạm liên quan đến ma tuý.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả chống buôn lậu
Ngày 25/9, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm, Phó thủ tướng nhấn mạnh:
Hiện nay, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực và ngày càng bền vững, ổn định, thực chất hơn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các địa phương biên giới thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, hữu nghị.
Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt là phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng yêu cầu quản lý khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao. Chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong đó nhanh chóng xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành mô hình cửa khẩu số.
Cao điểm chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024
Ngày 8/12, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển…
Phó thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương:
Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động chỉ đạo tổ chức lực lượng, phương tiện, có giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách;
Chủ động phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vào nội địa; trong đó, tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán;
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực, địa bàn;
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch TMĐT, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến;
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Nguyễn Kiên
Tin mới
Thổng thống Erdoğan: Cách tiếp cận dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan nhấn mạnh, việc tăng cường hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một bước đi tự nhiên. Ông kêu gọi một cách tiếp cận chính sách dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Mực nước sông Mã đang lên, Thanh Hóa phát công điện cảnh báo lũ
Vào hồi 16h30 ngày 22/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đã phát đi Công điện số 21 cảnh báo lũ trên sông Mã tới Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh chưa từng thấy
Theo báo cáo sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 20/9, xuất khẩu rau quả tháng 9/2024 đạt trên 920 triệu USD, tăng hơn 9% so với tháng trước và tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin vui cho hàng nghìn hồ sơ đất đai đang treo tại TP. HCM
UBND TP. HCM đã có văn bản hướng dẫn các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện về việc giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế liên quan đến đất đai trên địa bàn.
Lideco chi hơn 146 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2024 cho cổ đông, tỷ lệ 12%
CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm – Lideco (mã NTL) mới thông báo ngày 4/10 là ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức năm 2024 cho cổ đông.
Hà Tĩnh lập dự án phát triển quỹ đất hai bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có chỉ đạo về chủ trương lập dự án phát triển quỹ đất hai bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông (đoạn từ đường Nguyễn Công Trứ đến đường Nguyễn Trung Thiên).
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM