BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình xây dựng và phát triển các KCN, KKT ven biển trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, BQL Khu kinh tế tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án tại các KKT và KCN ven biển của tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.409,243 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 25,33 ha.
Các dự án bao gồm: Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư và phát triển QV Solar, tổng vốn đầu tư 968,969 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến 7,5 ha. Khu cảng cạn Vsico của Công ty CP Hàng hải VSICO, tổng vốn đầu tư 236,606 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến 8,6 ha. Nhà máy may, in, thêu xuất khẩu Gio Linh của Công ty CP May và Thương mại Gio Linh, tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến 2,5 ha.
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Sepon của Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, tổng vốn đầu tư 38 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến 1,9 ha. Nhà máy sản xuất bao bì và các sản phẩm từ nhựa Đặng Hùng, tổng vốn đầu tư 75,668 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến 3 ha
Cũng trong năm 2023, có 3 dự án tại các KKT và KCN ven biển Quảng Trị được khởi công xây dựng gồm: Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản Huy Long; Bến cảng Nam Cửa Việt CFG; KCN Quảng Trị.
Có 4 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 277,76 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 9,78 ha bao gồm: Nhà máy sản xuất bao bì từ nhựa tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo; Nhà máy may Gio Linh; Nhà máy sản xuất ván veneer và hàng nội thất Kim Long tại KCN Quán Ngang; Nhà máy chế biến titan và sản xuất sản phẩm ziconiun silicate tại KCN Quán Ngang; Ngoài ra, trong năm, BQL Khu kinh tế Quảng Trị cũng điều chỉnh dự án đầu tư 10 dự án và chấm dứt hoạt động dự án đầu tư 2 dự án.
Về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT, tổng nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giao BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trong năm 2023 là 73,63 tỷ đồng. Nguồn vốn đã được bố trí và nhập tabmis là 57,67 tỷ đồng. Giải ngân đến ngày 31/12/2023 đạt 47,726 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 82,76%.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KCN, KKT ven biển của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đồng thời, việc huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác cho đầu tư hạ tầng còn thấp và còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu của KKT, hạ tầng kết nối KKT với các khu vực khác trong nước, quốc tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số hạ tầng giao thông trong khu vực đã xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên làm giảm tính cạnh tranh, khó thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng vào nghiên cứu, khảo sát đầu tư.
“Theo Văn bản số 1804/TTg-CN ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn một số KKT cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó có Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo. Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, nguồn vốn Trung ương bố trí cho các KCN, KKT Quảng Trị bao gồm KKT Đông Nam Quảng Trị và khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay là 192,952 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, do ngân sách tỉnh khó khăn, nguồn ngân sách Trung ương không tăng nên Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo gặp khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy BQL KKT tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp để triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các KCN, KKT tỉnh”, ông Minh thông tin thêm.
Hà Trần (t/h)