Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Quảng Ninh trong năm 2022 chỉ đạt hơn 622 triệu USD, bằng 49% kế hoạch năm đề ra và nghiễm nhiên là không đạt kết quả như kỳ vọng. Bởi lẽ này mà tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ nhằm giữ vững đà tăng trưởng 2 con số của giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Quảng Ninh sẽ tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics và các dịch vụ hiện đại khác cũng sẽ được chú trọng hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh hiện đã đưa ra một số giải pháp như ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu,...
Bên cạnh đó cũng ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong tỉnh nhằm xúc tiến quá trình cần thiết đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, xóa tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài,...
Trong khi đó, các địa phương thuộc tỉnh cũng cần đẩy nhanh công tác sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, triển khai dự án điện,...
Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn,...
Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD với sự đầu tư từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu với số vốn đầu tư cao nhất, Hong Kong đứng thứ hai với 80 dự án, thứ ba thuộc về Hàn Quốc với con số 12 dự án và cuối cùng là Mỹ với 5 dự án.
11 tháng qua, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD nhưng con số này chỉ đáp ứng bằng 49% so với kế hoạch đề ra đầu năm 2022.
Việc không hoàn thành chỉ tiêu đề ra bởi các nguyên nhân khách quan như diễn biến tình hình phúc tạp của dịch COVID-19 kéo dài hơn 02 năm, lạm phát kinh tế, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine,...
Những nguyên nhân này cũng là thách thức lớn khiến các công ty đa quốc gia và nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh trong đại dịch, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, chuyển dịch dòng vốn đầu tư về chính quốc.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách chủ quan, tỉnh Quảng Ninh vẫn thiếu đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức tiếp xúc đầu tư cũng chưa phong phú, nhân sự xúc tiến đầu tư mỏng và chưa đủ chuyên nghiệp làm ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn đầu tư FDI trong năm nay.
Dù kết quả thu hút đầu tư vào Quảng Ninh vẫn nhiều tín hiệu tích cực nhưng chưa đạt nhiều kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Số dự án đầu tư vào tỉnh hiện ngày một tăng, nhưng ngành hàng mà Quảng Ninh kỳ vọng lại chưa nhiều, vẫn thuộc diện chậm so với đăng ký đầu tư.
Hồng Nhung (t/h)