Khu vực xây dựng lắp đặt các bể chứa Axit HCl
Bị tố gây ô nhiễm
Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của người dân ở khu 9, thị trấn Phong Châu, nhiều công ty trong quá trình hoạt động, sản xuất, với tần suất cao, đã gây ảnh hưởng nghiệm trọng tới môi trường, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Theo đó, kể từ ngày Công ty CP Đông Á (Công ty Đông Á ), Công ty TNHH Việt Thắng (Công ty Việt Thắng), Công ty cổ phần Sản Xuất Thương Mại Giấy Phong Châu (Công ty Giấy Phong Châu)... đi vào hoạt động, môi trường bị ảnh hưởng, nhiều gia đình đã phải rao bán chính ngôi nhà của mình vì không thể chịu được cảnh ô nhiễm, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước.
Theo ghi nhận thực tế của PV, chỉ cần đứng từ xa, cũng có thể quan sát được những lò hơi của Công ty giấy Phong Châu, Công ty Việt Thắng đang hoạt động, khí thải bốc lên nghi ngút. Mùn cưa, vỏ cây chất thành từng đống. Còn khu vực thuộc Công y Đông Á, các bể chứa hóa chất được xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt có nhiều bể chứa có nhiều vết hoen rỉ...
Nhiều gia đình đã phải căng biển bán nhà vì không thể chịu được cảnh ô nhiễm khói bụi, không khí
Theo chị L (người dân tại khu 9): “Cách đây khoảng 5 - 6 năm, cứ vào ngày mưa lớn là 6 hộ dân phía dưới đường lớn đều bị ngập lụt, trong khi trước đây không hề có chuyện này. Vào ngày mưa lớn hồi tháng 10 vừa qua, mấy nhà chúng tôi bị ngập. Trước đây, mương dẫn nước thải sinh hoạt của các gia đình chúng tôi đều được khơi thông, nhưng hiện nay, đường mương dẫn nước thải lại nằm trong địa phận của Công ty Đông Á. Cũng từ ngày đó, cứ mưa lớn là lại ngập nặng. Đồ đạc hư hỏng, giếng cũng không sử dụng được, cá trong ao chết hết, gia đình mất trắng hơn 2 tạ lúa…”.
Rãnh thoát nước bên cạnh khu tập trung nước thải của công ty Đông Á có màu trắng đục với nhiều cặn lơ lửng
Chưa dừng lại ở đó, theo nhiều người dân, không khí xung quanh địa bàn thị trấn Phong Châu (Phù Ninh) nồng nặc mùi hóa chất. Hiện tại, các cây ăn quả ở khu vực khu 9 không cho thu hoạch, bởi cứ ra hoa là hoa lại thối, cây cối úa vàng, bụi bặm bám đầy nên không thể sống được.
“Từ 18h30 tối cho đến 4h sáng hàng ngày, là lúc lò hơi của các nhà máy ở đây hoạt động. Buổi sáng, họ đốt bằng vỏ cây, mùn cưa, nhưng ban đêm, họ đốt bằng giẻ vụn, nhựa và vô vàn các phế thải khác. Chúng tôi đã nhiều lần tập trung mọi người lại để ngăn các xe chở phế liệu, vì không chịu nổi mùi khét lẹt”, một người dân bức xúc.
Cây cối xung quang khu vực có hiện tướng héo úa, không thể phát triển
Cũng theo người dân, cách đây khoảng 3 năm, vào ngày 18/9/2014, Công ty Đông Á đã xảy ra sự cố rò rỉ khí clo. Lượng khí độc này tràn vào các nhà dân trong khu 9, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già. Công ty Đông Á buộc phải xin lỗi và gửi quà tới những cháu nhỏ bị ảnh hưởng. Đồng thời, đại diện các công ty trên địa bàn khu 9 cũng đã phải ký cam kết bảo vệ môi trường. Thế nhưng, thực tế đến thời điểm hiện tại, người dân ở đây vẫn phải chịu cảnh ô nhiễm ngày một nặng nề cả về không khí, khói bụi lẫn nguồn nước.
Tự ý thay đổi, điều chỉnh báo cáo ĐTM
Được biết, Công ty Đông Á được thành lập năm 2003 (địa chỉ tại khu 9, thị trấn Phong Châu, Phù Ninh, Phú Thọ). Công ty chuyên sản xuất hóa chất, bao hồm Javen, xút và axit HCl. Công suất sản xuất hàng nghìn tấn/năm.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 20/11/2009, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 3974/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án “Đầu tư mở rộng sản xuất xút – clo” tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ của Công ty Đông Á.
Theo quyết định này, đối với công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công và vận hành thì Công ty Đông Á phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kết cấu bê tông cốt thép, cũng như đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải lò hơi.
Hệ thống xử lý nước thải mà Công ty Đông Á đề xuất trong báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2009 bị thay thế thành bể chứa nước thải tập trung rồi bơm sang đơn vị thứ 3, khi chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ?
Tuy nhiên, theo Biên bản kiểm tra ngày 14/11/2014 của đoàn kiểm tra liên ngành Sở Tài nguyên Môi trường Phú Thọ thì, Công ty Đông Á đã không tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương án được duyệt trong Báo cáo ĐTM, thay vào đó là đi thuê đơn vị thứ 3 là Tổng công ty Giấy Việt Nam xử lý. Đồng thời, công ty này cũng không xây dựng hệ thống khí thải lò hơi mà chuyển giao lò hơi vốn có cho Công ty Việt Thắng, sau đó mua lại hơi từ công ty này.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Công ty Đông Á xem xét lại hệ thống xử lý nước thải, vì nước được mua từ Công ty Giấy là 250m3, trong khi hệ thống thu gom của công ty chỉ có 200m3. Đồng thời, yêu cầu công ty làm rõ việc thay đổi biện pháp xử lý nước thải, không sử dụng lò hơi và nguồn gốc của lò hơi cung cấp cho Công ty Việt Thắng.
Theo khoản 7, Điều 16, Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường: “Chủ dự án phải báo cáo bằng văn bản và chỉ được thực hiện những thay đổi liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Vậy, thực hư câu chuyện ô nhiễm môi trường ở thị trấn Phong Châu là có thật hay không? Công ty Đông Á có phải là “thủ phạm” góp phần bức tử môi trường nơi đây như người dân đã tố; nhất là khi, mặc dù Công ty Đông Á đã được phê duyệt Báo cáo ĐTM, nhưng lại không thực hiện theo như cam kết đã được phê duyệt?...
Dư luận cũng đặt nghi vấn: Việc Công ty Đông Á thay đổi phương án, các công trình trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt, có được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Thọ hay không? Việc dự án được triển khai từ năm 2009, nhưng tới năm 2013 mới thuê xử lý nước thải. Vậy, trong thời gian trên, việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Đông Á có thực sự đảm bảo?
Hải Minh