Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị về phối hợp trong phòng chống tội phạm - Hình 1

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao kết quả phối hợp đã đạt được giữa các lực lượng trong thời gian qua và đề nghị các ngành cần tiếp tục phối hợp hiệu quả cao trong thời gian tới trước tình hình an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự nước ta.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các lực lượng tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy và hành động trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, các lực lượng tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt các kế hoạch phòng chống tội phạm mà Chính phủ xác định là trọng tâm như:

Kế hoạch phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào; các kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các đơn vị cần tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”.

Các lực lượng, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ cơ sở.

Các đơn vị thường xuyên phối hợp giải quyết tốt các yêu cầu trong công tác nghiệp vụ cơ bản; các hoạt động điều tra xử lý tội phạm, điều tra mở rộng vụ án; các hoạt động bổ trợ, hỗ trợ tư pháp, giám định, hồ sơ nghiệp vụ; quản lý hành chính, bảo vệ biên giới, nghiệp vụ hải quan… ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Các lực lượng tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp để duy trì, củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, nhất là trong việc tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, phối hợp hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của mỗi lực lượng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, các đơn vị tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, bảo vệ nội bộ, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, không để bị tội phạm lôi kéo, “bảo kê” cho các loại tội phạm…

Các lực lượng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của các lực lượng; tổ chức các hoạt động giao lưu, ký giao ước thi đua; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trong toàn quốc nói chung và khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển nói riêng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện nghiệp vụ, kinh phí, chế độ chính sách và các điều kiện; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững…

PV