Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trả lời phỏng vấn phóng viên sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhận Huân chương Sao Vàng ngày 18/7, nhà báo Nhị Lê (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) nói rằng: “Tôi có may mắn được làm việc với Tổng Bí thư từ khi Tổng Bí thư 40 tuổi, cho đến thời khắc này cũng là tròn 40 năm, trên ngực Tổng Bí thư cho đến giờ phút này không có một tấm huân chương nào. Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước chúng ta trao tặng đồng chí Tổng Bí thư. Ở Tổng Bí thư, tôi thấy lấp lánh tư tưởng của nhân dân, kết tinh khát vọng của Nhân dân và kết tinh hành động của Nhân dân trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác cơ sở. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác cơ sở. Ảnh: TTXVN

PV: Thưa nhà báo Nhị Lê, ông có thể chia sẻ những tình cảm đặc biệt sâu sắc của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?.

Nhà báo Nhị Lê: Trước hết, đó là người thầy của tôi, người thủ trưởng của tôi, người anh của tôi. Tôi vào nghề báo được sự dẫn dắt, chỉ bảo của Tổng Bí thư, lúc bấy giờ là Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Trong suốt quá trình làm việc và học tập, tôi luôn luôn nhận được sự yêu thương, trìu mến từ người thầy, người anh, đồng thời là thủ trưởng.

40 năm qua, tôi làm báo chuyên nghiệp, cũng rất vinh dự luôn nhận được sự gửi gắm, tin cậy của Tổng Bí thư. Dù ông giữ cương vị nào, là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, hay Tổng Bí thư, bận rất nhiều việc nhưng vẫn luôn luôn dành cho tôi sự quan tâm như một người anh, một người thủ trưởng, một người thầy.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, tình cảm của Tổng Bí thư đối với cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng, nơi mà Tổng Bí thư có 29 năm 8 tháng công tác, mỗi lần về thăm tạp chí, Tổng Bí thư luôn căn dặn Tạp chí Cộng sản hãy xứng đáng với truyền thống của mình, xứng đáng với Đảng ta, xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sáng lập ra Tạp chí Cộng sản hiện nay.

Qua mỗi lần được làm việc với Tổng Bí thư, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản nói chung, cá nhân tôi nói riêng luôn nhận được sự động viên, khích lệ, cũng có thể là giao nhiệm vụ cho chúng tôi trong việc xây dựng Tạp chí Cộng sản một cách toàn diện, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về trách nhiệm của Tổng Bí thư, dù giữ cương vị nào, ông cũng gửi gắm cho tạp chí những bài viết riêng, đặc biệt khi giữ cương vị Tổng Bí thư, ông cũng luôn dành cho tạp chí của Đảng sự ưu ái đặc biệt.

PV: Ông có thể nói rõ hơn những dấu ấn của Tổng Bí thư khi làm việc ở Tạp chí Cộng sản?

Nhà báo Nhị Lê: Lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ, tôi nhớ nhất một ấn tượng, đó là khi chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu tan rã, ngay trong bản thân tạp chí chúng tôi cũng có ý kiến đề nghị đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi cũ của nó là Tạp chí Học tập.

Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Lúc đó, với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức kiên quyết cho rằng: “Dù có thế nào đi chăng nữa, dù với tên gọi nào đi chăng nữa, dù học tập Bonsevich, cộng sản, sinh hoạt nội bộ thì nó vẫn nguyên vẹn là cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, xin các đồng chí dù chúng ta có thể đổi về Tạp chí Học tập hay không thì Tạp chí Cộng sản vẫn là cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những ngọn cờ đầu về lý luận, chính trị của Đảng Cộng sản Việt  Nam. Cho nên, tôi quyết định không thể đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về với tên gọi Tạp chí Học tập và càng không được phép đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam trở về Đảng Lao động Việt Nam, mãi mãi vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, không có hà cớ gì, chúng ta thay đổi cả. Đó là dấu ấn rất quan trọng đối với đời tôi.

Tôi cứ nghĩ mãi, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” hết sức độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946, đã được Tổng Bí thư tiếp nối và xác quyết những vấn đề quan trọng của cơ quan lý luận về chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là về mặt chính trị, còn về mặt cuộc sống đời thường, trong những chuyến đi công tác, tôi nhớ mãi ngày 15/12/1986, lúc bấy giờ chúng ta Khai mạc Đại hội lần thứ 6 của Đảng. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ xây dựng Đảng. Trong chuyến công tác về Văn Chấn – Yên Bái, tôi may mắn được đi cùng Tổng Bí thư, khi mùa đông đến, rất buốt rét. Tổng Bí thư chỉ vào đôi chân trần của những cháu học sinh đến trường rồi quay sang hỏi tôi “Em nghĩ gì?”. Tôi thưa lại với Tổng Bí thư “Anh ạ, hôm nay là khai mạc Đại hội lần thứ 6, Đại hội đổi mới của Đảng ta, em kỳ vọng cuộc đổi mới sẽ làm cho những đôi chân trần kia có đôi dép để đi tới lớp những ngày đông giá. Lúc này, tôi nhìn thấy trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng có hai giọt nước mắt. Đấy là hình ảnh mà tôi ám ảnh mãi cho đến tận bây giờ.

Cách đây một mùa Tết, trước mùa xuân Bính Thìn tôi lên thăm Tổng Bí thư, tôi nhắc lại chuyện đó, tôi nói “Anh ạ, qua gần 40 năm đổi mới, những thành tựu của chúng ta đã gặt hái được rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Em là người làm báo, vẫn đi, vẫn viết, vẫn quan sát, em đã trở Lai Châu, Yên Bái, em đã trở lại thăm Văn Chấn và thấy điều ước nguyện của chúng ta lúc bấy giờ, gần 40 năm đã trở thành hiện thực. Những đứa trẻ không đi chân đất đến trường nữa”. Việc rất nhỏ như vậy nhưng nói thay tất cả suy nghĩ, khát vọng, hành động của Tổng Bí thư sau này, suốt mấy chục năm qua. Đó cũng là một trong những thành quả quan trọng đem lại hạnh phúc cho nhân dân, là cơm ăn, là áo mặc, là đôi dép cho những đôi chân trần ngày xưa của các cháu giữa mùa đông giá rét.

PV: Từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, theo ông, Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn đặc biệt gì?  

Nhà báo Nhị Lê: Trước hết, ở Tổng Bí thư là sự tiếp tục phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, Tổng Bí thư là một nhà lý luận. Đặc biệt, thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cho đến ngày hôm nay, sau 40 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng bước hình thành lý luận đổi mới. Từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà hạt nhân lý luận là hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng.

Thứ 3, Tổng Bí thư là một nhà báo. Cả cuộc đời có thể nói, phần trai trẻ của Tổng Bí thư là nhà báo tới 30 năm. Sau này, ông là người cộng tác rất đắc lực đối với toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng của chúng ta. Tổng Bí thư đã dành những tác phẩm báo chí đặc biệt vào những dịp trọng sự quốc gia, dịp đón xuân mới, gửi thông điệp đến toàn đảng, toàn quân, toàn dân.

Thứ 4, Tổng Bí thư là một nhà văn hóa. Ở Tổng Bí thư, người ta thấy một sự tiếp nối, phát triển đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của các bậc tiền bối, từ Tổng Bí thư Trần Phú. Đặc biệt, Tổng Bí thư thật sự xứng đáng là người dẫn dắt, là người hội tụ khát vọng, tâm tư và hành động của nhân dân.

Cuối cùng Tổng Bí thư là một người thực sự mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, dù với tư cách là người cha, người ông, bạn học. Ở nơi đâu, cho đến thời khắc này, chúng tôi cũng thấy Tổng Bí thư thật sự xứng đáng là một tấm gương trong cuộc sống thường ngày. Dù giữ trọng trách cao bao nhiêu, Tổng Bí thư vẫn nguyên vẹn là “Anh Nguyễn Phú Trọng”.

PV: Như vậy, có thể nói, Tổng Bí thư là người “cộng sản kiên trung của Đảng”?

Nhà báo Nhị Lê: Đây là điều rất thú vị, cũng nhiều lần tôi may mắn được tâm sự với Tổng Bí thư, đặc biệt khi bàn về công tác cán bộ, bàn về tư cách, phẩm hạnh của đảng viên, Tổng Bí thư là người rất hăng hái, khác hẳn với sự trầm mặc, điềm tĩnh thường thấy, anh nói say sưa và tôi cũng phụ họa.

Tổng Bí thư nói “Dù làm ông cả, bà lớn gì, trước hết phải làm một con người cho ngay ngắn đã”. Và khi tôi nói “Cái cao cả nhất của con người là liêm sỉ, là danh dự thì Tổng Bí thư nói “Em nói từ từ”. Sau này tôi bày tỏ suy nghĩ của tôi bằng một bài viết rất cụ thể, đó là bài “Liêm sỉ và Quốc sỉ” trên Tạp chí Cộng sản.

Tôi nhớ khi sơ kết Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt, trong phiên họp thứ Nhất của Chính Phủ, khóa XV, Tổng Bí thư đọc nguyên vẹn bài viết đó trên Tạp chí Cộng sản và Tổng Bí thư nói rất rõ, đây là một ý kiến của nhân dân mà Tổng Bí thư muốn gửi đến Hội nghị lần thứ Nhất của Chính phủ, gửi tới Hội nghị Sơ kết Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nghĩa là Tổng Bí thư lắng nghe lòng dân.

Ở Tổng Bí thư tôi thấy lấp lánh tư tưởng của nhân dân, kết tinh khát vọng của nhân dân và kết tinh hành động của nhân dân trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, trong việc thắt chặt, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, ở Tổng Bí thư, với tầm chính kiến của mình, nhìn thấy sức mạnh dân tộc Việt Nam ở ngoài biên giới quốc gia. Đó là hơn 6 triệu đồng bào ta ở người ngoài và bạn bè quốc tế. Ở đó có hai chữ “Nhân dân”.

PV: Vậy có thể nói, Tổng Bí thư là con người của Nhân dân không, thưa ông?

Nhà báo Nhị Lê: Việc đánh giá Tổng Bí thư rất khó, nhưng tôi thấy khắp trong công luận của chúng ta, đặc biệt trên mạng xã hội, truyền thông xã hội, tôi cũng lắng nghe ý kiến của người dân từ hang cùng, ngõ hẻm tới miền núi cao. Ở nơi đâu cũng nhắc tới Tổng Bí thư. Đặc biệt, nhiều năm gần đây tôi cũng rất cảm động, hôm qua tôi nhận được những bài thơ viết về Tổng Bí thư với những câu thơ rất xúc động. Trong câu thơ đó, họ chỉ mong sao, nếu được góp tuổi, thì nhân dân góp tuổi để Tổng Bí thư được mạnh khỏe, sống lâu muôn năm. Đó là những bài tôi đọc được trên mạng truyền thông xã hội.

Tôi nghĩ ở đó là nơi thể hiện lòng dân mà báo chí của chúng ta không thể truyền tải hết được. Ở đó cũng là nơi gửi gắm sự kỳ vọng của nhân dân chúng ta đối với Tổng Bí thư. Tổng Bí thư trong mắt tôi thật sự xứng đáng là một con người chân chính, một đảng viên chân chính, một người đồng chí thủy chung. Tổng Bí thư là Tư lệnh của lòng dân. Tổng Bí thư là sự kết tinh phẩm giá, nhân cách của Đảng. Tổng Bí thư là sự hiện thân của hòa bình, thống nhất và tiến bộ, cùng với đất nước Việt Nam góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức.

PV: Với những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư, ngày 18/7, Bộ Chính trị trao Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, việc làm này có ý nghĩa thế nào đối với những đóng góp của Tổng Bí thư?

Nhà báo Nhị Lê: Tôi có may mắn được làm việc với Tổng Bí thư, từ khi Tổng Bí thư 40 tuổi, cho đến thời khắc này cũng là tròn 40 năm, trên ngực Tổng Bí thư cho đến giờ phút này không có một tấm huân chương nào.

Tổng Bí thư của chúng ta chưa nhận bất cứ một tấm huân chương nào cả. Trên ngực của Tổng Bí thư chỉ có những huy hiệu kỷ niệm chương. Cho nên, phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước chúng ta trao tặng đồng chí Tổng Bí thư đấy là Huân chương duy nhất trên ngực áo Tổng Bí thư. Trọn một đời 80 năm sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong lòng dân tộc, trong lòng Đảng, trong lòng bạn bè quốc tế. Đó là tấm huân chương đầu tiên, có lẽ là tấ huân chương cuối cùng. Bởi vì, Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của nhà nước ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo VOV.VN