Nông dân Hải Hậu tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Xác định thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, hội viên nông dân huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tích cực tham gia chương trình gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025”.
Phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, hội viên, nông dân trong huyện đã chủ động tham gia xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt, nông dân chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị như: lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lạc, cây dược liệu và rau quả, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP và công nghệ Nhật Bản...
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất; cơ cấu giống tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với ổn định năng suất, trong cơ cấu giống lúa với trên 90% là các giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất. Điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao (diện tích 600ha); mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (diện tích 310ha); mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy (diện tích 3.200ha với 82 máy); mô hình sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, thìa canh) theo tiêu chuẩn GapWho tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải Châu…
Trong chăn nuôi, thực hiện chỉ đạo của huyện bố trí lại các vùng chăn nuôi trang trại tập trung tại các xã, thị trấn theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030. Đến nay, toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, trong đó có 23 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch với bệnh lở mồm long móng. Hội viên nông dân tích cực cơ cấu lại đàn vật nuôi đảm bảo phát huy được tiềm năng, lợi thế chăn nuôi của địa phương, đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, phù hợp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi liên kết như: HTX chăn nuôi Sơn Lam, xã Hải Trung liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ thương phẩm tại nhiều xã trong huyện với sản lượng 60-70 tấn/năm. Công ty TNHH Công Phượng, xã Hải Xuân liên kết sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 10 triệu quả trứng gà, vịt sạch. HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Hải Thanh nuôi trên 10 nghìn con vịt đẻ, mỗi năm xuất ra thị trường gần 3 triệu quả trứng vịt…
Hội viên nông dân trong huyện còn duy trì nuôi thủy sản nội đồng tập trung ở thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Châu, Hải Hòa, Hải Nam, Hải An, Hải Quang, Hải Đông… với các đối tượng nuôi chủ lực là cá diêu hồng, chim trắng, lóc bông, trắm, tôm nước ngọt; đồng thời nhân rộng vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ tại các xã, thị trấn Hải Triều, Hải Chính, Hải Nam, Hải Phúc, Hải Lý, Hải Đông, Thịnh Long… Nhờ đó, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản của huyện phát triển mạnh qua các năm với 3.130ha nuôi trồng (nước ngọt 1.836ha, nước lợ 1.294ha); có 45 trang trại chuyển đổi trên đất trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản; 200 ao nuôi với diện tích trên 25ha đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, chăm sóc ao nuôi, thuận lợi cho quản lý và giảm chi phí nhân công. Tổng giá trị khai thác, nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 1.157 tỷ đồng.
Để góp phần đẩy mạnh chương trình OCOP gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân huyện Hải Hậu thường xuyên tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân; vận động, hướng dẫn các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn, các hội chợ triển lãm và sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 25 lớp tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 1.126 cán bộ, hội viên; thành lập và ra mắt 1 cửa hàng nông sản an toàn bán các sản phẩm nông sản của HTX, các sản phẩm OCOP của các địa phương trong toàn huyện; phối hợp thành lập 5 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó tập trung hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các hội viên, thành viên HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP.
Từ khi chương trình OCOP được triển khai đến nay, huyện Hải Hậu có 84 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm của nông dân. Điển hình là HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính có 3 sản phẩm gồm rượu nấm linh chi Linh Phát, nấm bào ngư, nấm linh chi Linh Phát. HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc, xã Hải Lộc có sản phẩm trà dây thìa canh. HTX dược liệu Hải Hậu ACT với các sản phẩm trà dây thìa canh, cao dây thìa canh.
HTX trồng và mua bán sơ chế dược liệu Hải Ninh với sản phẩm rễ đinh lăng sấy khô. HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền có các sản phẩm chả cá Hải Điền, chả mực Hải Điền. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Phong, xã Hải Phong có sản phẩm cà tím Hải Phong. HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hải Hà với sản phẩm gạo nếp Vò Gi. HTX kinh doanh dịch vụ Liên Minh với sản phẩm miến dong Trâm Gà. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Tân với sản phẩm ổi lê. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Trung với sản phẩm bột hoàng thanh…
Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP không chỉ giúp cho nông dân tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp nông dân khai thác, phát huy tốt thế mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% khối lượng nông sản, thực phẩm chủ lực (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cây dược liệu, nấm, thịt lợn, trứng gia cầm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá đặc sản nước ngọt, các sản phẩm chế biến từ thủy sản và rau, củ, quả chất lượng cao) được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với chế biến và phát triển sản phẩm OCOP.
Từ việc tích cực tham gia chương trình OCOP, hội viên nông dân huyện Hải Hậu đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản năm 2022 đạt trên 3.700 tỷ đồng. Cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác hải sản thủy sản. Giá trị sản xuất bình quân 1ha canh tác năm 2022 đạt 147,3 triệu đồng./
Theo báo Nam Định
Tin mới
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/9 của các công ty chứng khoán.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo: Mang Tết Trung thu đến với bản “đặc biệt” xã Tân Thành
Ngày 16/9, tại Bản Hà Lệt, xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa), Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Đoàn cơ sở xã Tân Thành tổ chức Chương trình “Biên cương - Đêm hội trăng rằm”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn thăm, tặng quà trẻ em nhân dịp Tết Trung thu
Ngày 16/9 (tức ngày 14/8 Âm lịch), Đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà trẻ em ở Trung tâm Hy vọng Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nhân dịp Tết Trung thu năm 2024.
Xây dựng Đề án chuyển đổi số cần xác định các mũi đột phá
Trong quá trình xác định các mũi đột phá, các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, gắn liền với triển khai Đề án 06 tại bộ, ngành, địa phương mình.
Ngành Y tế Lạng Sơn tập trung chỉ đạo xử lý môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh cho người dân
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm, hỗ trợ và kiểm tra công tác y tế, khắc phục hậu quả bão lụt tại tỉnh Lạng Sơn ngày 16/9/2024
Bắc Giang: Nhiều hoạt động chăm lo con công nhân, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Trung thu
Nhân dịp Tết Trung thu năm 2024, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm bố trí kinh phí, vận động các nguồn tài trợ để tổ chức nhiều hoạt động chăm lo con công nhân lao động, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do bão số 3.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ