Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ba nhóm hàng giả kinh doanh chính trên nền tảng TMĐT là đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mĩ phẩm; đồ gia dụng. Thông thường, các mặt hàng làm giả lưu thông trên internet có giá trị cao hoặc do nước ngoài sản xuất.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT hiện nay còn nhiều vướng mắc, bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, những người kinh doanh không lành mạnh thậm chí thường dùng chiêu trò đặt tên miền website gần giống với những thương hiệu thật. Bà Huyền dẫn ví dụ về sàn thương mại điện tử Lazada cũng từng bị làm nhái.

Một số website "có vấn đề" mà Cục phát hiện ra trong thời gian qua bao gồm youtube.vn, bmw.wwwiso.com, subway.wwwiso.com (trùng với nhãn hiệu đã được đăng kí) bảo hộ; intelt.vn, kodark.com, panasonica.com (tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ) hay laptopdell.com, macsaigon.vn, daunhotshell.wwwiso.com (tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan).

Khi truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, các đối tượng thậm chí còn sử dụng hình ảnh của những người có ảnh hưởng (KOLs) và người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả.

Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…

Được biết trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lí 63.110 vụ việc vi phạm, gian lận trên nền tảng thương mại điện tử.

Bảo Lâm