Mới đây, nhiều siêu thị thuộc hệ thống Go! như Big C Thăng Long, Go! Mê Linh, Go! Long Biên tại Hà Nội, Go! Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng, Go! Vinh tại Nghệ An, Go! An Lạc tại TP. HCM… đã ngừng trưng bày sản phẩm bột ngọt mang nhãn hiệu Meizan, với lý do "thông tin nhãn sản phẩm cần được kiểm tra lại".

Nhiều siêu thị hệ thống GO! ngừng trưng bày bán bột ngọt MEIZAN
Nhiều siêu thị hệ thống GO! ngừng trưng bày bán bột ngọt MEIZAN

Theo thông tin từ người tiêu dùng, trên bao bì sản phẩm Meizan không công bố thông tin nguồn gốc, xuất xứ bột ngọt, chỉ có thông tin ghi: Đóng gói tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Thực Phẩm quốc tế Nam Dương, có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Phản hồi thông tin các sản phẩm bột ngọt Meizan không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị hệ thống siêu thị Go! gỡ bỏ trưng bày, ngày 31/10, Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương đã có công văn phản hồi tới Tập đoàn Central Retail Việt Nam là chủ sở hữu chuỗi siêu thị Go! và giải thích về lý do không ghi nguồn gốc, xuất xứ của loại bột ngọt mà công ty này dùng để san chia, sang chiết và đóng gói thành bột ngọt Meizan, trong đó có nội dung:

“Nam Dương mua bột ngọt từ các nhà cung cấp khác nhau có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau để đóng gói sản phẩm và bán lại cho các khách hàng của mình tại Việt Nam”.

Bao bì bột ngọt Meizan không ghi rõ thông tin xuất xứ sản phẩm
Bao bì bột ngọt Meizan không ghi rõ thông tin xuất xứ sản phẩm

Dựa trên cơ sở nào để công ty này ghi hạn sử dụng và ngày sản xuất của bột ngọt mang nhãn hiệu Meizan được san chia, sang chiết từ nhiều nguồn bột ngọt trên? Theo quy định về ghi nhãn tại Điều 7 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định: “Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, cụ thể phải thể hiện đầy đủ 3 nội dung sau: Ngày sản xuất, hạn sử dụng và ngày đóng gói, trong đó: Ngày sản xuất: là ngày được thể hiện trên nhãn gốc (do tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi được san chia, sang chiết và được ghi trên nhãn gốc);

Hạn sử dụng: hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc (do tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi được san chia, sang chiết và được ghi trên nhãn gốc);

Ngày đóng gói: là ngày san chia, sang chiết bột ngọt để đóng gói và không được viết tắt.

Như vậy, theo giải thích của công ty này, nếu bột ngọt Meizan được san chia, sang chiết từ nhiều loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, thì công ty này lấy ngày sản xuất của bột ngọt nào để ghi ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng của bột ngọt Meizan.

Điều này càng dấy lên lo ngại của người tiêu dùng về tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của loại bột ngọt Meizan này, liệu bột ngọt đang bán này còn hạn sử dụng hay không và hậu quả của việc sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ này đối với sức khỏe?.

888888888

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bột ngọt san chia, sang chiết để đóng gói lại cần phải ghi rõ tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi sang chia, sang chiết, cụ thể:

Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “6. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép”.

Và nếu như theo thời giải thích của công ty này là mua bột ngọt từ nhiều nguồn khác nhau và sau đó san chia, sang chiết, đóng gói vào nhãn hiệu Meizan thì theo quy định, trên nhãn hiệu Meizan phải ghi tất cả tên và địa chỉ của các tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt mà công ty Meizan mua về để san chia, sang chiết. Tuy nhiên, trên bao bì của bột ngọt Meizan hiện không ghi tên và địa chỉ của các tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi công ty này dùng để san chia, sang chiết và đóng gói thành nhãn hiệu Meizan.

Bên cạnh đó, bột ngọt san chia, sang chiết để đóng gói lại cần phải được sự cho phép bằng văn bản của tổ chức, cá nhân sản xuất ra bột ngọt trước khi san chia, sang chiết và đóng gói.

Chưa rõ liệu công ty này đã có được sự cho phép bằng văn bản của các công ty sản xuất ra bột ngọt từ các nguồn khác nhau mà công ty này sử dụng để đóng gói hay chưa. Người tiêu dung rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ các nội dung này để xác minh cho người tiêu dùng những thông tin nêu trên, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm gia vị này hằng ngày.

Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định: "Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản".

PV