Dữ liệu mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã làm phức tạp thêm trường hợp bình thường hóa lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda và hỗ trợ chính sách tài khóa cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Điều đó cũng có nghĩa là Đức đã chiếm vị trí của Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2023 tính theo đồng USD.
Tăng trưởng GDP trong quý IV/2023 của Nhật Bản đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 3,3% trong quý III. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình về mức tăng trưởng 1,4% trong cuộc khảo sát của Reuters giữa các nhà kinh tế. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Capital Economics cho biết: “Tuy nhiên, liệu Nhật Bản hiện có bước vào suy thoái hay không vẫn còn gây tranh cãi”.
“Trong khi số lượng việc làm còn trống đã suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng là 2,4% trong tháng 12. Hơn nữa, cuộc khảo sát Tankan của BOJ cho thấy điều kiện kinh doanh trên tất cả các ngành và quy mô doanh nghiệp ở mức mạnh nhất kể từ năm 2018 trong quý IV/2024… Dù thế nào đi nữa, tăng trưởng sẽ vẫn chậm chạp trong năm nay do tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã chuyển sang mức âm”, ông cho biết thêm.
Lạm phát cao, nhu cầu trong nước yếu
Trong khi lạm phát toàn phần đang dần chậm lại, lạm phát lõi (loại trừ giá lương thực và năng lượng) đã vượt mục tiêu 2% của BOJ trong 15 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, BOJ vẫn “kiên nhẫn tiếp tục” chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.
Tuy nhiên, số liệu GDP yếu hơn dự kiến sẽ đặt ra câu hỏi về việc BOJ có ưu tiên lạm phát ở Nhật Bản do nhu cầu trong nước bền vững và ổn định hơn. Ngân hàng Trung ương tin rằng việc tăng lương sẽ chuyển thành một vòng xoáy có ý nghĩa hơn, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
Nhiều người trên thị trường đang mong đợi BOJ sẽ rời bỏ chế độ lãi suất âm tại cuộc họp chính sách tháng Tư, sau khi các cuộc đàm phán lương mùa xuân hàng năm xác nhận xu hướng tăng lương đáng kể.
Tuy nhiên, báo cáo tăng trưởng kinh tế yếu hơn dự kiến cho thấy lạm phát cao đang gây tổn hại cho tiêu dùng trong nước bất chấp triển vọng tiền lương cao hơn, do đó điều này có lẽ củng cố chính sách tiền tệ nới lỏng lâu hơn nữa.
Hà Trần (t/h)