Nguy hiểm khó lường khi "cải lão hoàn đồng" bằng tế bào gốc
Những năm gần đây, phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc được các spa, thẩm mỹ viện quảng cáo rầm rộ như một liệu pháp giúp trẻ hóa da, chống lão hóa, điều trị nám, sẹo lõm, sẹo rỗ... Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, vẫn chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ.
Nhiều di chứng khi làm đẹp bằng tế bào gốc
Bằng những lời lẽ hoa mỹ, đánh trúng tâm lý chị em, tế bào gốc đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng bá như một liệu pháp “cải lão hoàn đồng” cho da, từ da mụn đến lão hóa, từ làm đầy sẹo đến dưỡng trắng da. Điều này, đã khiến nhiều người sẵn sàng mạnh tay chi tiền để được “trẻ mãi không già”...
Chỉ cần đọc những dòng chữ quảng cáo như “Làm đẹp bằng tế bào gốc – bí quyết cho làn da căng mịn, không tì vết”; “Tế bào gốc tự thân cho da căng bóng, trắng sáng, hết nhăn chỉ sau 1 mũi tiêm” hay “Làm đẹp bằng tế bào gốc không cần phẫu thuật, bí quyết sở hữu làn da mịn màng”… cũng khiến rất nhiều chị em hào hứng muốn thử một lần biết đâu sẽ “cải lão hoàn đồng”.
Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tế bào gốc với giá cả rất khác nhau, từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu đồng với đủ chủng loại như tế bào gốc từ thực vật, động vật và cả con người...
Thực tế, đã có không ít khách hàng bỏ ra một số tiền lớn để làm đẹp bằng tế bào gốc, để rồi phải “tiền mất tật mang”. Đã có nhiều trường hợp dùng phương pháp này bị dị ứng, phù nề, tai biến...
Theo đó, đầu năm 2022, chị T.X. (ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh) đến cơ sở làm đẹp trên đường Hoàng Dư Khương, quận 10, để chăm sóc da mặt. Được tư vấn, chị X. đồng ý thực hiện phương pháp làm sạch mụn, lăn kim và bóc tách đáy sẹo, tiêm tế bào gốc liệu trình 4 - 5 lần, tổng chi phí hơn 15 triệu đồng.
Trong quá trình điều trị, chị X. thấy da mặt có phần căng bóng, sạch mụn và bã nhờn, tuy nhiên kết thúc quá trình điều trị không lâu, thì da chị X. trở lại như ban đầu, thậm chí mọc nhiều mụn hơn và xấu đi. Hậu quả, chị X. phải đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh để điều trị.
Một trường hợp khác cũng bị biến chứng khi làm đẹp bằng tế bào gốc đó là chị N.T.H. (45 tuổi, ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh), vào giữa tháng 8/2020, chị H. đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh trong tình trạng mặt sưng phù, nhiều nốt bầm tím.
Chị H. cho biết, trước đó 2 ngày, có đến một thẩm mỹ viện gần nhà và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm tế bào gốc của Hàn Quốc để làm trẻ hóa da. Sau tiêm 1 ngày, mặt chị H. xuất hiện hiện tượng sưng phù, đau nhức.
Tương tự, chị N.B.M (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cũng đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh khám, điều trị do liên quan đến làm đẹp bằng tế bào gốc. Được biết, 1 tuần trước, chị làm đẹp da mặt tại một cơ sở spa. Qua tư vấn, chị đồng ý thực hiện phương pháp “trẻ hóa làn da” bằng cách tiêm tế bào gốc. Về nhà, da mặt chị nổi đầy sẩn đỏ, kéo dài cả tuần không hết, gây khó chịu và mất thẩm mỹ nên chị M. quyết định đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh khám, điều trị.
ThS. BS. Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh cho biết, Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần tiếp nhận các bệnh nhân bị tác dụng phụ, tai biến khi sử dụng các “sản phẩm tế bào gốc” dưới dạng tiêm, bôi, uống.
“Việc điều trị những tai biến này, mất nhiều thời gian và chi phí, có nhiều trường hợp phục hồi không hoàn toàn, để lại di chứng trên da. Vì vậy, trước khi quyết định sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thẩm mỹ nói chung và sản phẩm tế bào gốc nói riêng, chị em cần tham khảo ý kiến chuyên gia ở các cơ sở y tế uy tín và được cấp phép để tránh “tiền mất, tật mang”. ThS. BS. Ánh Tú khuyến cáo.
Chưa được cấp phép tại Việt Nam
Từ một vài trường hợp kể trên có thể thấy, làm đẹp bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường, người sử dụng dịch vụ dễ bị biến chứng trầm trọng.
Đặc biệt, cho đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ. Do đó, việc mua bán, sử dụng tế bào gốc tại Việt Nam là hoạt động trái pháp luật. Mặt khác, chất lượng của các loại tế bào gốc này còn chưa được kiểm soát và khó đánh giá. Việc quảng cáo tế bào gốc từ người, từ động vật, thực vật, vi sinh vật... đều là thông tin thiếu kiểm chứng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Công ty Minh Anh Cosmetic (Phụ trách chuyên môn Stemcell Beauty) cho biết, tế bào gốc là phương pháp những năm gần đây được các nước trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng trong điều trị các bệnh lý da miễn dịch và hệ thống như vảy nến, xơ cứng bì hệ thống, ly thượng bì bóng nước hay ung thư da… Trong lĩnh vực thẩm mỹ, tế bào gốc cũng được nghiên cứu để điều trị tình trạng lão hóa da, sẹo xấu, sẹo bỏng...
Việc ứng dụng tế bào gốc trong da liễu nói chung và thẩm mỹ, chăm sóc da nói riêng, vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có nhiều chứng cứ khoa học rõ ràng về hiệu quả và tính an toàn, trước khi áp dụng điều trị rộng rãi cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, gần đây, trong nước rộ lên phương pháp làm đẹp da bằng “tế bào gốc”. Theo bà Nguyễn Thị Nga “cho đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ”.
Việc tiêm vào cơ thể sản phẩm có chứa tế bào gốc, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể: Các trường hợp chiết tách tế bào gốc cùng loại mô, nhưng có nguồn gốc từ những người khác nhau, có thể gây ra phản ứng dị ứng hay nặng hơn là tình trạng thải mảnh ghép khởi phát sau nhiều năm điều trị. Đặc biệt, phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra ngay trong trường hợp lấy tế bào gốc từ cơ thể của một người và sử dụng cho chính người đó do nguy cơ dị ứng đến từ các thành phần, hợp chất trong quá trình nuôi cấy.
Mặt khác, khi tiêm tế bào gốc vào cơ thể, chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn được sự phát triển và biệt hóa của các tế bào gốc sẽ diễn ra trong cơ thể như thế nào dẫn đến xuất hiện các khối u thứ phát. Vì vậy, người dân cần tham khảo ý kiến chuyên gia ở các cơ sở y tế uy tín và được cấp phép để tránh gây hại cho sức khỏe của chính mình.
Hoàng Bách
Tin mới
Nhiều trường đại học tại TP.HCM hỗ trợ sinh viên các tỉnh bị ảnh hưởng từ bão lũ
Bên cạnh việc quyên góp, kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi), nhiều trường đại học tại TP.HCM còn có những chính sách thiết thực, để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên các tỉnh bị ảnh hưởng do bão lũ...
Galaxy S24 FE sẽ được hỗ trợ sạc nhanh 25W
Galaxy S24 FE sẽ hỗ trợ sạc nhanh 25W và được hỗ trợ sạc ngược không dây 9W.
Vĩnh Phúc truy tìm đối tượng nghi vấn liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra ngày 13/9 ở thành phố Vĩnh Yên
Công an thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc phát đi thông báo truy tìm đối tượng nghi vấn liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra ngày 13/9 tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.
Bình Dương: Giải cứu bé trai lọt cống thoát nước
Khi đang đi bán vé số trên đường, bé trai bị dòng nước lớn chảy siết cuốn vào cống thoát nước.
Công đoàn EVNNPC: Thắm đượm nghĩa tình sau bão lũ
Nhằm kịp thời chia sẻ, động viên các cán bộ công nhân viên (CBCNV) đang vất vả làm việc “xuyên ngày, xuyên đêm” khắc phục sự cố lưới điện, Công đoàn EVNNPC đã chủ động phối hợp với chuyên môn, tham mưu, đề xuất trích Quỹ phúc lợi với tổng số tiền là 15 tỷ đồng để hỗ trợ các đơn vị, thăm hỏi, động viên CBCNV, người lao động…
Quảng Bình: Giám sát tiêu hủy 1.500 đơn vị sản phẩm thực phẩm nhập lậu
Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, tiến hành giám sát đối tượng vi phạm thực hiện việc tiêu hủy 1.500 đơn vị sản phẩm thực phẩm nhập lậu không đảm bảo an toàn sử dụng.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới