Nhìn lại năm 2017, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT do Quốc hội giao. Theo báo cáo của Ủy ban ATGTQG, năm 2017 là năm thứ 6 liên tiếp, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt - Đức, hiện nay, tỷ lệ trẻ em tử vong do TNGT/100.000 trẻ em ở nước ta là khoảng 20, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước phát triển (con số này của các nước ASEAN là khoảng 7,4 và ở các nước phát triển là khoảng 4,5). Một số nghiên cứu cũng cho thấy thương vong do TNGT ở trẻ em chủ yếu là trong nhóm học sinh THPT chiếm từ 75 - 80%.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG yêu cầu tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Nguyên nhân gốc rễ của thực tế này là do sự thiếu trách nhiệm của người lớn. Đó là việc thiếu sự quan tâm, nhắc nhở con em khi tham gia giao thông. Một số phụ huynh vẫn giao xe gắn máy cho con em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của không ít người lớn hạn chế, chưa làm gương cho trẻ em noi gương. Lực lượng chức năng cũng chưa thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm quy định ATGT, nhất là những hành vi vi phạm của người lớn khi tham gia giao thông.
“Vai trò của người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT, kéo giảm TNGT và cũng gắn trách nhiệm với kết quả thực hiện”, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Trương Hòa Bình khẳng định.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1)Hoàn thiện thể chế về ATGT; tổng kết và xây dựng dự án Luật GT đường bộ (sửa đổi); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê...;(2)Tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội; trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn cần nêu gương về văn hóa giao thông..;(3)Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, ATGT, chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư để hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT…(4)Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắp với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông…(5)Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải theo hướng giảm áp lực cho vận tải đường bộ…(6)Phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng, gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân...(7)Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý, điều hành GTVT và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tư ATGT.
Năm 2017, TNGT giảm hơn 1.500 vụ (gần 7%), giảm trên 400 người chết (gần 5%), giảm hơn 2.200 người bị thương (hơn 11%) so với năm 2016. Số người chết do TNGT giảm còn 8.279 người, với mức giảm sâu nhất tính từ năm 2012. Đó là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết toàn cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc đến năm 2020, số thương vong do TNGT giảm xuống còn 50% so với năm 2010. |
Theo baodansinh.vn