Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt ở 3 khía cạnh: thúc đẩy chuyển đổi về tổ chức sản xuất khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp yêu cầu của thị trường, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Chương trình góp phần tạo thêm việc làm, phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế.
Trên cơ sở đó, trong phiên họp lần này, Hội đồng sẽ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm nhóm Dược liệu và Đồ uống (gồm 16 sản phẩm được các địa phương đề nghị đánh giá phân hạng). Đồng thời, xem xét, công nhận lại cho 03 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao) đã được công nhận năm 2020.
Kết quả, Hội đồng đã công nhận mới 4 sản phẩm OCOP 5 sao, trong đó Lào Cai có 02 sản phẩm gồm: Cao mềm Actiso Sa Pa và Trà phun sương Actiso Sa Pa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trung ương gửi lời chúc mừng tới những chủ thể, sản phẩm OCOP đã được công nhận và công nhận lại, đồng thời lưu ý những sản phẩm chưa được công nhận trong lần này cần liên hệ với Văn phòng Điều phối NTM Trung ương để được hướng dẫn, tư vấn, hoàn thiện sản phẩm để xem xét, đánh giá vào những lần sau.
Những sản phẩm đã được công nhận OCOP 5 sao, tiếp tục duy trì chất lượng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cả trong nước và quốc tế để sản phẩm có điều kiện phát triển không ngừng.
Nguyễn Mạnh