Hiện nay các hợp tác xã có 5.676 thành viên; tổng số lao động làm việc có hưởng tiền lương, tiền công khoảng 7.900 người (trong đó 4.950 người đồng thời là thành viên hợp tác xã). Còn lại có khoảng 4.000 xã viên và người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hợp tác xã thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những hợp tác xã có sử dụng và thuê mướn lao động; người lao động trong các hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (chỉ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động này đã được ngành Bảo hiểm xã hội và Liên minh hợp tác xã tỉnh quan tâm đẩy mạnh, nhưng số hợp tác xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động và tỷ lệ lao động tham gia rất thấp. Đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh mới có 54 hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bằng 13,8% tổng số hợp tác xã, với 271 lao động bằng 3,4% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động, thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng còn rất hạn chế.
Với 389 hợp tác xã đang hoạt động và khoảng trên 7.600 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đồng nghĩa với việc người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc không lương, không được hưởng bất cứ chế độ gì, phải tự chi trả mọi chi phí, khi hết tuổi lao động không có lương hưu, cuộc sống phụ thuộc vào con cháu hoặc vẫn tiếp tục làm việc để kiếm sống.
Đối với những lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế khi ốm đau, thai sản ngoài việc được hưởng trợ cấp ốm đau, còn được hưởng chi phí bảo hiểm y tế khi nằm viện theo quyền lợi, đặc biệt là trong giai đoàn dịch Covid-19 ngoài việc được hưởng chế độ ốm đau khi nhiễm dịch, còn được hưởng một khoản hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 16/NQ-CP từ 1.800.00 đồng đến 3.300.000 đồng (tùy theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội), vì vậy cuộc sống của người lao động vẫn được đảm bảo.
Thực trạng nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là những khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã. Những năm gần đây, tuy đã phát triển hơn so với trước, nhưng tỷ lệ hợp tác xã được xem là hoạt động hiệu quả mới chiếm khoảng 20%; thu nhập bình quân của người lao động đạt thấp, bình quân khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cũng như những yếu kém nội tại, không ít hợp tác xã buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không đủ nguồn tài chính để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý (có hưởng lương) và người lao động.
Cùng với khó khăn nêu trên, nhiều hợp tác xã có tỷ lệ lao động ở độ tuổi cao, vì vậy không muốn tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định. Không ít hợp tác xã chỉ "ưu tiên" sử dụng lao động thời vụ với thời gian ngắn, trả lương theo ngày cho nên thu nhập của người lao động cũng bấp bênh. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều người là quản hợp tác xã cũng chưa nắm chắc chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để tham gia cho người lao động; nhiều xã viên và người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới một tháng hoặc hợp đồng giao khoán sản phẩm cũng chưa hiểu đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, việc thuê mướn lao động thường chỉ qua giao kết miệng, chứ không có hợp đồng lao động theo quy định.
Những khó khăn và nguyên nhân trên đã dẫn đến diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực hợp tác xãcòn "khoảng trống" khá lớn, không chỉ ảnh hưởng tới quyền tham gia và thụ hưởng chính sách của người lao động mà còn là nguyên nhân khiến người lao động chưa thật sự gắn bó, tận tâm cống hiến cho sự phát triển của hợp tác xã.
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế và từng bước thu hẹp và lấp đầy "khoảng trống" nêu trên, trong thời gian tới Liên minh hợp tác xã tỉnh đề ra 05 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tích cực tham gia Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Lạng Sơn. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu đề ra hàng năm.
Thứ hai, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của hợp tác xã.
Thứ ba, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện thành phố, trong đó trọng tâm là phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hợp tác xã.
Thứ tư, phối hợp với các sở, ngành để thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và hướng dẫn việc thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các hợp tác xã trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Thứ năm, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh mở các hội nghị tuyên truyền, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho xã viên và người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; vận động các hợp tác xã dành một khoản kinh phí để hỗ trợ thêm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Với những giải pháp trên, tin tưởng rằng, trong thời gia tới, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các hợp tác xã sẽ có những chuyển biến tích cực, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, là tiền đề để xã viên, người lao động gắn bó hơn với hợp tác xã, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Hữu Hải