Lắng nghe góp ý để hoàn thiện quản lý thuế với thương mại điện tử
Sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC đề xuất sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn nếu người bán không ủy quyền.
Kể từ khi được ban hành ngày 01/06/2021, Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh và đặc biệt là các sànTMĐT. Theo thông tư này, các sàn TMĐT phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn. Đây là quy định mới, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các sàn TMĐT và các cá nhân kinh doanh TMĐT
Thu thuế TMĐT để đảm bảo công bằng
Theo thống kê của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc UNCTAD, thị trường TMĐT toàn cầu đạt đến con số 26.000 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với sự tác động của đại dịch, hoạt động TMĐT càng gia tăng mạnh mẽ, đưa tỷ trọng bán lẻ trực tuyến trong tổng doanh thu bán lẻ tăng lên 19% trong năm 2020.
Tại Việt Nam, TMĐT cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2020 đạt quy mô 13,2 tỷ USD và được dự báo có thể đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%.
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã đặt ra bài toán khó với các cơ quản lý thuế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bởi các nền tảng TMĐT tạo ra phương thức giao dịch khác hẳn những phương thức truyền thống. Người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế phải nộp, thậm chí có thể cố tình né tránh trách nhiệm thuế.
Năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị các cơ quan thuế dựa vào nền tảng thương mại điện tử để ngăn chặn việc tránh, trốn thuế. Nhiều quốc gia, khu vực đã xem xét và ban hành đạo các đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải thực thi các nghĩa vụ thuế cũng như dựa vào các nền tảng trực tuyến này để thực hiện vai trò thu thuế.
Ngày 01/06/2021, Bộ Tài chính có Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định sàn TMĐT có trách nhiệm phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn. Quyết định phải thực hiện quản lý thuế với thương mại điện tử cơ bản nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia, doanh nghiệp.
Luật sư Hoàng Tùng từ văn phòng luật sư Trung Hoà cho rằng việc thu thuế với TMĐT là điều cần thiết và công bằng với các hình thức kinh doanh khác bởi hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT hiện nay rất sôi nổi, với đa dạng các loại mặt hàng, dịch vụ. Người dân giao dịch, mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử ngày một nhiều và họ cũng tham gia kinh doanh trên các sàn thương mai điện tử. Có thể thấy kinh doanh online dần trở thành một kênh bán hàng chủ chốt của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh…và đem lại lợi nhuận hiệu quả. “Do đó, các sàn thương mại điện tử hoạt động kinh doanh cần thiết phải thực hiện nghĩa vụ về thuế”, luật sư Hoàng Tùng khẳng định.
Còn nhiều tranh cãi về cách thực hiện
Dù được đánh giá là chủ trương đúng đắn, cần thiết phải thực hiện, nhưng xung quanh việc quản lý thuế TMĐT thế nào cho phù hợp, tránh gây khó cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
Luật sư Hoàng Tùng chia sẻ: “Vướng mắc nhiều nhất có lẽ phải kể đến vấn đề sẽ thu thuế với cách thức sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh”. Bản chất quy định này là hướng tới giảm tải công tác kê khai thuế của người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và đảm bảo việc thu thuế là chính xác, có căn cứ xác nhận rõ ràng. Bởi lẽ, các đơn vị kinh doanh online khi kê khai thuế để nộp nhưng việc kiểm chứng chính xác thu nhập tính thuế thì còn là vấn đề nan giải, vẫn tồn đọng nhiều kẽ hở để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, nộp thuế không đúng với nghĩa vụ, trốn thuế,…
Tuy nhiên, không phải loại sàn thương mại điện tử nào cũng tiến hành kinh doanh trực tiếp hoặc là đơn vị trung gian trao đổi có lợi nhuận giữa người bán và người mua. Có những sàn chỉ đơn thuần là cung cấp phương tiện để bên bán và bên mua trao đổi, không thu lợi, không can thiệp vào hoạt động mua bán giữa 2 bên. Ngoài ra, quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT cũng không nêu trách nhiệm sàn bán lẻ online phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Do đó, việc triển khai quy định về sàn thương mại điện tử kê khai và nộp thuế thay người kinh doanh cần phải xem xét lại.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng nêu quan điểm sàn TMĐT không phải đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán với người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, sàn không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1 điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một ý kiến khác cũng được nhiều người đưa ra là trụ sở của sàn và địa điểm kinh doanh của nhà bán hàng thuộc các địa phương khác nhau nên việc phân bổ nguồn thu với các cơ quan thuế địa phương gặp nhiều vướng mắc.
Một số sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch giữa người mua và người bán mà chỉ đóng vai trò là nơi để người bán đăng tin về hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, các sàn này không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán. Đây cũng là một điểm cần lưu ý khi thực hiện quy định tại thông tư 40.
Tiếp thu ý kiến tranh luận
Trước những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các sàn TMĐT, trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC đã quy định "Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự". Như vậy, sàn TMĐT chỉ kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn nếu người bán không ủy quyền.
Tuy nhiên, sàn TMĐT vẫn có trách nhiệm cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo quy định của pháp luật như: họ tên người bán hàng; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng qua sàn; tài khoản ngân hàng của người bán.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau hoặc theo từng lần phát sinh theo yêu cầu của quan thuế bằng phương thức điện tử theo quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế hoặc kết nối trực tiếp với cơ quan thuế nếu đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật.
Sự thay đổi này thể hiện sự cầu thị của Bộ Tài chính với vấn đề quản lý thuế TMĐT nhằm có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế trước khi Thông tư chính thức triển khai từ 01/01/2022.
Lộ trình triển khai Thông tư 40/2021/TT-BTC
Bước 1 (trong tháng 8/2021): Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn TMĐT để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn TMĐT.
Bước 2 (Từ 01/8/2021 đến trước 01/10/2021): Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi sau khi lấy ý kiến tham gia và khảo sát thực tế, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chính thức văn bản hướng dẫn về: chuẩn dữ liệu cung cấp thông tin; giải pháp kết nối; quy trình cung cấp thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế.
Bước 3 (Từ 01/10/2021 đến trước 01/01/2022): Tổng cục Thuế và các sàn TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc cung cấp thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
Bước 4 (Từ 01/01/2022): Sàn TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Phạm Sơn - Minh Long
Tin mới
Tọa đàm xây dựng tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 19/9, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm trao đổi về xây dựng tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Việt Nam và Vương quốc Anh tăng cường hợp tác về trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao
Việt Nam và Vương quốc Anh nhất trí tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ hai cho Indonesia
Theo số liệu mới do Cơ quan BPS công bố, từ tháng 1 đến tháng 8/2024, Indonesia đã nhập khẩu 3,05 triệu tấn gạo trị giá 1,91 tỷ USD. Con số này tăng hơn 121% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 1,5% vào tổng lượng nhập khẩu phi dầu khí của Indonesia.
Chứng khoán phiên sáng 19/9: Động lực từ Fed là chưa đủ
Phút hứng khởi trôi qua khá nhanh nhờ hiệu ứng từ việc Fed cắt giảm lãi suất. Giao dịch trở lại trạng thái thận trọng, giằng co với biên độ hẹp đã quay trở lại với thị trường.
Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, năm 2024
Sáng 19/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Y Dược Hợp Lực tổ chức lễ bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, năm 2024.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc xin sởi
Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi, nhằm cơ bản hoàn tất bao phủ cho trên 95% dân số cảm nhiễm trong tháng Chín để kiểm soát dịch bệnh.
Câu chuyện thương hiệu
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9