Riêng Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu, vẫn duy trì được mức lạm phát thấp hơn là khoảng 7,1% theo số liệu của Eurostat, cao hơn con số do Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) đưa ra tuần trước là 6,2%.
Lý giải cho nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng tiền chung tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, Eurostat nhận định, giá năng lượng và giá thực phẩm vẫn là hai yếu tố lớn nhất khiến lạm phát tại khu vực này tăng cao.
Cụ thể, giá năng lượng tại các nước trong Eurozone đã tăng 41,9% so với cách đây 01 năm, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Đáng chú ý là ngay cả nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm thì lạm phát tại khu vực đồng tiền chung vẫn tăng 5% trong tháng 10/2022, dấu hiệu phản ánh bức tranh kinh tế tổng thể đang ngày càng xấu đi của khu vực.
Theo Giáo sư kinh tế Markus Will của Trường Đại học St-Gallen (Thuỵ Sỹ), tỷ lệ lạm phát chưa phải là chỉ số xấu và đáng lo ngại nhất đối với các nền kinh tế Châu Âu.
“Các chỉ số này là rất xấu. Tỷ lệ lạm phát trên 10% ở Châu Âu hay tại Đức đều là các tỷ lệ lạm phát lớn nhất trong vòng hơn 70 năm qua tại một số nơi. Tuy nhiên, bên cạnh các con số này, tôi quan tâm đến các con số khác quan trọng hơn, đó là các số liệu về nợ. Việc tỷ lệ lạm phát giữa các nước châu Âu ngày càng có sự khác biệt sẽ tác động lớn đến lãi suất trả nợ đang tăng lên đáng kể ở các nước và đó sẽ là mối lo lớn đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu – ECB”, Giáo sư Markus Will phân tích.
Cũng theo các số liệu so Eurostat công bố, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu trong quý III/2022 chỉ ở mức 0,2%, thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Trong số các nước trong khu vực đồng tiền chung, có 03 nước ghi nhận mức tăng trưởng âm là Bỉ và Áo, -0,1% và Latvia, - 1,7%. Với bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ rơi vào suy thoái ngay trong quý IV/2022 và tăng trưởng kinh tế của khối trong cả năm 2022 sẽ chỉ ở mức 2,1%, trước khi giảm xuống còn 0,5% cho năm 2023.
Giới kinh tế cũng cho rằng, các số liệu kinh tế hiện nay sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu – ECB phải tăng lãi suất thêm khoảng 75 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 nhằm hạ lạm phát, dù sẽ phải chấp nhận suy thoái kinh tế. Trong vòng 03 tháng qua, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng hơn 200 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt lạm phát nhưng không thành công.