THCL Để tăng năng lực tài chính và sức cạnh tranh, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (mã:MBB) cho biết, ngân hàng sẽ không chọn hướng sáp nhập như xu hướng chung, mà MB có những điều kiện thuận lợi để tăng vốn, trong đó, thu hút cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Sau khi được Đại hội cổ đông ngày 21/4 chấp thuận, MB sẽ là ngân hàng thứ 4 tiến hành tăng vốn điều lệ trong năm 2015, tiếp sau BIDV, Vietinbank, Sacombank… Nhưng, MB lại không lựa chọn con đường sáp nhập, mà Hội đồng quản trị sẽ tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược phù hợp.

MB đã tìm hiểu hai ngân hàng

Giải đáp băn khoăn của một cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT MB cho hay, ngân hàng đã tìm hiểu, đánh giá hai ngân hàng khác để có phương án sáp nhập. Danh tính của hai đối tác này không được ông Thái tiết lộ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã nghiên cứu kỹ, đánh giá những ảnh hưởng, cái được - mất nếu thực hiện sáp nhập. "Khi đánh giá kỹ những tác động tới tình hình hoạt động của MB sau sáp nhập, chúng tôi quyết định không chọn hướng sáp nhập. Và MB có thể huy động nguồn vốn khác, hiệu quả hơn thay vì sáp nhập ngân hàng"- ông Thái khẳng định.
Khi chuyển hướng không sáp nhập, từ Đại hội cổ đông năm 2014, MB đã lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng, vì mục tiêu của MB là muốn vươn lên Top các ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất hệ thống. Tuy vậy, vốn điều lệ của MB vẫn giữ nguyên mức 11.594 tỷ đồng và chưa thực hiện phát hành thêm trong năm 2014.
Do đó, tại kỳ họp này, Hội đồng quản trị tiếp tục trình phương án phát hành cổ phần với mức tăng vốn lớn hơn (4.406 tỷ đồng), lên mức 16.000 tỷ đồng, tăng vốn thêm 37%. MB sẽ có 2 đợt phát hành tăng vốn thêm 499,6 tỷ đồng để trả cổ tức và bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên MB (vào quý II và III/2015). Đồng thời, đợt 3 sẽ phát hành 390,6 triệu cổ phần cho cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước (quý II đến quý IV/2015).

MB có những điều kiện thuận lợi để tăng vốn, trong đó, thu hút cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

MB xác định hai cơ chế bán cổ phần chiến lược, trong đó, giảm giá tối đa 25% so với giá thị trường cho cổ đông chiến lược trong nước. Còn cổ đông nước ngoài được mua giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách…
Một cổ đông bày tỏ băn khoăn, yêu cầu HĐQT cho biết rõ mức giá bán cụ thể đối với 390,6 triệu cổ phần chiến lược. Tính theo giá thị trường ngày 21/4/2015, cổ phiếu MBB giao dịch ở mức 13.600 đồng/CP. Giá chiết khấu tối đa để chào bán cho cổ đông trong nước là 10.200 đồng/CP, giá sổ sách MBB là trên 14.000 đồng/CP sẽ là giá chào bán cho cổ đông nước ngoài. Vậy, chênh lệch giá cổ phiếu lớn dẫn tới tổng giá trị phát hành cho hai đối tượng lên tới 1.484 tỷ đồng thì lợi ích cổ đông đem lại cho ngân hàng sẽ như thế nào?
Về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho hay, trong phương án hợp tác với đối tác, ngân hàng có đánh giá cụ thể những lợi ích, sự hỗ trợ mà cổ đông chiến lược đem lại rất lớn. Những lợi ích này khó có thể xác định cụ thể, nhưng xem xét có thể giảm giá bán cổ phần tối đa là 25% so với giá thị trường. Đơn cử, như cổ đông chiến lược Tập đoàn Viettel có thể đem lại cho MB khoảng 2 triệu khách hàng mỗi năm…
Còn theo Chủ tịch HĐQT Lê Hữu Đức, cổ đông chiến lược trong nước sẽ được MB ưu tiên lựa chọn trong các doanh nghiệp quân đội. Hiện, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC cũng "ngỏ ý" muốn mua cổ phần MB.

Lợi nhuận tăng trưởng 10%

Liên quan đến vấn đề tăng "room" sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo MB khẳng định quan điểm sẽ cân nhắc kỹ việc nới "room" và mở ở mức độ nào. Đồng thời, ngân hàng mong muốn dành tỷ lệ sở hữu lớn để bán cho nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
"Với cổ đông ngoại, hiện tỷ lệ sở hữu tối đa được phép là 30% vốn điều lệ. Từ lâu, MB đã xúc tiến tìm kiếm đối tác có thể mua cổ phần tới 15-20%, nên hiện ngân hàng sẽ thận trọng mở "room" khối ngoại để chờ tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, phù hợp với MB" - ông Thái nhấn mạnh.
Trong chương trình tăng vốn năm 2015, Hội đồng quản trị đã đưa ra thông tin cụ thể hơn về việc sử dụng vốn tăng thêm 4.406 tỷ đồng. Theo đó, MB dành 1.651 tỷ đồng để đầu tư trụ sở, văn phòng chi nhánh, hệ thống thiết bị, bổ sung vốn kinh doanh 1.556 tỷ đồng, bổ sung 1.199 tỷ đồng góp vốn vào công ty con và góp vốn khác.
Một số cổ đông băn khoăn vì sao năm 2015, MB tăng trưởng vốn điều lệ tới 37% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ tăng thêm 5%? Trong khi, chỉ tiêu nợ xấu lại để ở khoảng cách rộng là "kiểm soát dưới 3%". Cổ đông này đề nghị Hội đồng quản trị điều chỉnh lại hai chỉ tiêu này, ít nhất tỷ lệ nợ xấu cũng bằng 2,72% như năm trước và lợi nhuận lớn hơn.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB, mong cổ đông đồng thuận với kế hoạch tăng vốn. Việc giảm tỷ lệ nợ xấu thấp hơn, MB đã có lộ trình xử lý nợ xấu cũ và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, vì năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt quyết tâm rất cao là đưa nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3%, chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải rốt ráo xử lý nợ xấu bằng nhiều giải pháp, như bán nợ cho VAMC, xử lý thu hồi nợ, trích dự phòng… Do đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đều bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài sẽ an toàn và lành mạnh hơn.

Theo Thu Hằng (TBKD)