Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 116.643ha với 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 13 xã: Cầu Bà, Giang Ly, Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thượng, Khánh Trung, Liên Sang, Sơn Thái, Sông Cầu.
Hệ thống đô thị của huyện sẽ phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, ưu tiên phát triển và xây dựng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng.
Toàn huyện sẽ được chia thành 3 tiểu vùng. Tiểu vùng 1 - Tiểu vùng đông nam - Tiểu vùng hành chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, bao gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 5 xã: Khánh Nam, Cầu Bà, Khánh Thành, Sông Cầu, Khánh Phú.
Tiểu vùng 2 - Tiểu vùng phía bắc - Tiểu vùng nông lâm nghiệp, năng lượng xanh, bao gồm 4 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung.
Tiểu vùng 3 - Tiểu vùng tây nam - Tiểu vùng du lịch, lâm nghiệp và bảo tồn rừng, bao gồm 4 xã: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang.
UBND tỉnh yêu cầu huyện Khánh Vĩnh tổ chức công bố quy hoạch; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện; quản lý xây dựng; theo dõi, giám sát; đảm bảo nguồn lực; chịu trách nhiệm về hồ sơ đồ án quy hoạch. UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND huyện Khánh Vĩnh để quản lý, thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định của pháp luật hiện hành.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 35km. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện 1.167km2, dân số toàn huyện có trên 45.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%.
Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, huyện Khánh Vĩnh còn là nơi có nhiều cảnh quan phong phú, đa dạng, có nhiều vùng núi cao với đặc trưng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ nhưng không có các hiện tượng thời tiết như gió nóng, sương muối...
Địa phương định hướng du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, tham quan vườn cây ăn trái là loại hình du lịch chủ yếu của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn liền với sản xuất nông nghiệp.
An Nguyên (t/h)