Tạo nên nguồn sức mạnh to lớn
Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đây là văn kiện - khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: hochiminh.vn)
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và mang lại hiệu quả cao. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp, đâu đâu cũng sục sôi phong trào thi đua yêu nước.
, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), GS. TS. Mạch Quang Thắng cho biết:
“Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1948, đất nước lúc bấy giờ cần thêm sức mạnh mới. Bởi vì, sau Cách mạng tháng 8/1945, đất nước rất yếu về vật chất, chưa có sự ủng hộ của các nước trên thế giới, yếu về thực lực quốc phòng..., cần thêm sức mạnh. Cần thêm sức mạnh ở đây không có gì khác bằng nội lực của chúng ta.
Cho nên, Đảng và Bác Hồ đã bắt đầu chủ trương phải phát động phong trào thi đua yêu nước và Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Không chỉ có Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mà trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những yêu cầu cơ bản trong thi đua yêu nước.
Thi đua lao động sản xuất trên công trình đại thủy nông Bắc – Hưng - Hải, một trong những ngọn cờ thi đua trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Ảnh: TTXVN)
Tháng 10/1948, tại Phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong cuộc vận động thi đua, chúng ta phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”; cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua, thì thi đua mới có kết quả.
Ngày 1/5/1952, tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người đã nói:
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Ngày 12/2/1965, tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, Người phát biểu: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, chúng ta cần có 2 điều:
Một là cán bộ và công nhân, phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể.
Hai là kế hoạch 10 phần, thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.
Di sản quý báu còn nguyên giá trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên nêu lên và gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua; chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa 2 phạm trù, 2 thành tố này với nhau.
Chính điều này, đã tạo cho phong trào thi đua yêu nước tinh thần mạnh mẽ, bền vững và luôn gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động - là một vấn đề có tính nguyên tắc.
Do đó, Người không chỉ đưa ra và luận giải những vấn đề lý luận về thi đua yêu nước; không những là người khởi xướng, tổ chức, theo dõi và động viên phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, mà bản thân Hồ Chủ tịch, còn là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời, vĩ đại và cao đẹp nhất, thuyết phục nhất, của phong trào thi đua yêu nước. Và, đây cũng chính là một trong những khía cạnh đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng HTX Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - nơi khởi nguồn phong trào thi đua “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp - thực hiện luống cày đầu tiên, tháng 6/1961 (Ảnh: TTXVN)
Bản thân Người, cùng các vị bộ trưởng và nhân viên Chính phủ, đã trực tiếp tham gia sản xuất sau giờ làm việc, tăng gia một cách thực sự. Đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu lại nhiều hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của Người, tăng gia ở chiến khu Việt Bắc, cùng những thành quả do tăng gia mà có. Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai, sắn…, Người đề xướng phong trào quyên gạo cứu đói: Sẻ cơm, nhường áo, kêu gọi đồng bào, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, để lấy gạo cứu dân nghèo và tự mình gương mẫu thực hiện trước.
Tại buổi khai mạc cuộc lạc quyên, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã đem phần gạo nhịn ăn của mình, quyên trước tiên. Tấm gương của Chủ tịch nước, đã khích lệ đồng bào cả nước hưởng ứng và tham gia, mỗi tuần, Nhân dân cả nước đã quyên được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Sự nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua yêu nước, còn thể hiện qua 30 bài nói chuyện - có đề cập đến nội dung thi đua yêu nước, tại các địa phương, các hội nghị Trung ương, các ngành; qua gần 100 thư, điện khen của Người đối với các địa phương, các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích thi đua và qua hơn 20 bài báo khen các địa phương, cá nhân tích cực thi đua và thi đua đạt nhiều thành tích (có bài mang nội dung phê bình). Đặc biệt, trong mỗi bài phát biểu, bài viết, Người luôn đưa ra những con số minh họa cho sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của phong trào thi đua yêu nước.
Dưới sự chỉ dẫn và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước phát triển, lan rộng từ hậu phương cho đến tiền tuyến, từ nhà máy, công trường đến xưởng thợ, trường học…, khắp nơi “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.
Người người thi đua, nhà nhà thi đua
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước bằng những khẩu hiệu:
“Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”; “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…
Những khẩu hiệu đó - đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Theo số liệu tổng kết của các nhà nghiên cứu, từ năm 1945 - 1965, đã có trên 30 phong trào thi đua của toàn dân và của riêng các lực lượng, các ngành, các giới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. tiêu biểu như:
Phong trào Hũ gạo cứu đói (1945); Đời sống mới (1947); Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm (từ 1945, sau phát động thành phong trào từ năm 1952); Thi đua cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình (từ 1960); Vững tay cày, chắc tay súng (1961); Thi đua cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất (1961);
Cuộc vận động “3 xây, 3 chống”: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (1963); Phong trào phụ nữ “5 tốt” (từ 1964); Phong trào cờ “3 nhất”: Đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất; Thanh niên có phong trào Ba sẵn sàng; Phong trào thi đua chung cho toàn miền Bắc với phương châm “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” (1964); Tất cả chi viện cho miền Nam - “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; Phong trào Ba đảm đang (từ 1965).
Thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh chinhphu.vn)
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 - 1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới:
Phong trào thi đua “Ba nhất” trong quân đội; Phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; Phong trào “Sóng duyên hải” trong công nghiệp; Phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; Phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ; Phong trào thầy thuốc như mẹ hiền”; Phong trào “Nhà trường hai tốt”.
Đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhiều phong trào đã được phát động và thực hiện có hiệu quả: Xóa đói, giảm nghèo; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Tuổi trẻ sáng tạo; Lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào lớn: Chung tay xây dựng nông thôn mới; Xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu; triển khai Chương trình OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”); Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Thanh niên lập nghiệp; Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu; Phong trào đền ơn đáp nghĩa; Phong trào doanh nghiệp hội nhập và phát triển…
Có thể nói, các phong trào thi đua đã gắn bó mật thiết với quyền và lợi ích của người dân; có vai trò quan trọng để cả dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
Nhân lên sức mạnh vật chất và tinh thần
Cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định:
“Thi đua ái quốc cũng là yêu nước. Tư tưởng đó của Bác đã truyền cảm hứng cho toàn dân tộc trong sự nghiệp chống xâm lược. Có thể nói, tất cả thắng lợi của cách mạng Việt Nam có nguyên nhân căn cốt, cơ bản đó chính là tinh thần, khí thế, cảm hứng thi đua yêu nước.
Giá trị đó không chỉ có ý nghĩa trước đây mà đặc biệt, tư tưởng thi đua yêu nước của Bác trở thành triết lý nhân văn, triết lý hành động. Những thành công trong đổi mới hiện nay, phải khẳng định rất cơ bản đó là nhờ tinh thần yêu nước của toàn dân”.
Có thể khẳng định, trong bất cứ thời điểm nào, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua - luôn vẹn nguyên giá trị, luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, làm nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới.
Công nhân lao động thi đua làm theo lời Bác
PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng:
“Kỷ niệm 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) là dịp để chấn chỉnh, kiểm tra, giá sát, đánh giá đúng để không có câu chuyện “chạy thi đua”, “chạy thành tích”. Nhận diện, nếu làm đến nơi đến chốn và kiểm soát kỹ càng và kết quả thi đua ấy phải ra kết quả gì, sản phẩm gì, chứ không phải thứ chung chung, không phải những báo cáo trên giấy.
Phải thấy đem lại cho tập thể những gì? đem lại cho Nhân dân những gì? Một địa phương nói thi đua tốt, thì địa phương đó phải giàu lên, phải phát triển lên, Nhân dân phải phấn khởi hơn, xã hội không có tội phạm, tệ nạn, không còn người nghèo. Thi đua cá nhân điển hình, có những người được thành tích suất sắc mà tập thể đó ỳ ạch, vẫn kém, không có gì thay đổi thì đều là hình thức”.
75 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện và trở thành một phương thức lãnh đạo vô cùng sáng tạo, độc đáo của Đảng, nhằm nhân lên sức mạnh vật chất và tinh thần vô cùng to lớn của dân tộc.
Tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh đặt ra, mỗi người cần ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tốt nhất cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Kể từ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất (1952) đến nay, đã có hàng vạn điển hình tiên tiến tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực và từng thời kỳ được tuyên dương. Ngày 9 và 10/12/2020, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Xuân Phong