Báo cáo tại buổi làm việc, UBND huyện Bình Chánh cho biết, tổng số dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện là 244 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá 3 năm chưa thực hiện đã loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%).

Đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trên địa bàn, UBND huyện Bình Chánh thông tin đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần 50% tổng số lượng các dự án đang triển khai từ các nghị quyết năm 2016, 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trên 21% số lượng dự án đã loại hoặc không tiếp tục thực hiện do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư công, chưa đảm bảo pháp lý chủ trương đầu tư.

Khung cảnh nhếch nhác, hoang tàn tại dự án Khu E (khu đô thị Nam thành phố)
Khung cảnh nhếch nhác, hoang tàn tại dự án Khu E (khu đô thị Nam thành phố). (Ảnh: NLĐ)

Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, trong đó, đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường.

Một vài dự án chậm triển khai và gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân có thể kể đến như: dự án Khu đô thị Sing Việt  tại xã Lê Minh Xuân đã 20 năm nay nhưng chưa xong và địa phương vẫn còn giải quyết hàng chục trường hợp người dân khiếu nại về dự án. 

Đối với trường hợp này, huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TP giao các sở, ngành xem xét, sớm hoàn tất thủ tục giao đất khu tái định cư Sing Việt để chủ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dự án; làm việc với chủ đầu tư đề nghị chuyển trả kinh phí hỗ trợ bổ sung cho người dân.

Hay như dự án Khu E (khu đô thị Nam thành phố) đã 22 năm qua nhưng vẫn còn hơn 3 ha chưa bồi thường xong, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì hạ tầng không đảm bảo. Dự án cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước cũng chậm triển khai và đến nay đã đội vốn. 

Vì vậy, đối với dự án cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh kiến nghị nếu chậm triển khai thì cho phép người dân sửa chữa nhà cửa và cho, tặng, mua bán đất để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Tại dự án khu E, thành phố nên cho phép người dân được sửa chữa nhà.

Về xử lý các dự án quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức công bố công khai, tuy nhiên chưa có quy định sau khi công khai có phải thực hiện thủ tục thu hồi, hủy bỏ các thông báo thu hồi đất đã ban hành để đảm bảo quyền lợi của người dân. 

Trước tình huống này, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Tài nguyên – Môi trường sớm có báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành hướng dẫn thực hiện.

PV