Ngày 28/11, tại TP.Đà Nẵng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) phối hợp Sở VHTT&DL TP. Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các Hiệp hội làng nghề và các đơn vị, cá nhân tổ chức Lễ khai mạc triển lãm "Sản phẩm sơn mài Việt Nam".
Triển lãm trưng bày hơn 100 sản phẩm và bộ sản phẩm sơn mài đặc sắc được Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn từ hơn 300 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài của nhiều họa sĩ, nghệ nhân và các hội viên làng nghề trong cả nước. Các tác phẩm sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như: Sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trứng, vỏ trai… tạo nên sự phong phú, đa dạng về hình thức, thể hiện tính thẩm mỹ cao cũng như sự tỉ mỉ, tinh xảo của sơn mài Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đánh giá cao những tác phẩm, tác giả được tuyển chọn triển lãm lần này. Thứ trưởng cho biết, triển lãm lần này nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh. "Với sự độc đáo, đặc biệt về màu sắc, chất liệu, kỹ thuật thể hiện, ngành sơn mài cần khai thác triệt để hơn nữa, lực lượng hoạt động trong nghề sơn mài có nhiều sáng tạo hơn nữa, đóng góp cho bảng màu sơn mài ngày càng phong phú, đưa "Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam" ngày càng lớn mạnh góp phần vào kho tàng nghệ thuật của thế giới", Thứ Trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Việt Nam có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời với lịch sử phát triển huy hoàng, rực rỡ trong nhiều giai đoạn như: Nghề đúc đồng, nghề nặn gốm, nghề đan mây tre, nghề sơn cổ truyền...nghề điêu khắc đá, nghề chạm gỗ, nghề dệt lụa, nghề thêu, nghề chạm bạc.... Theo đó, nghề Sơn cổ truyền của Việt Nam được hình thành và phát triển từ thế kỷ 15-16, với kỹ thuật pha chế sơn bằng phương pháp thủ công các phường thợ, nghệ nhân xưa đã tạo ra chất liệu màu có đặc tính độc đáo, quyến rũ.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 04/12.
Hoàng Gia Bảo