Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới xét theo nhiều thước đo, nhưng vẫn không thể thay đổi vị thế là một thị trường mới nổi do một loạt vấn đề, bao gồm cả cách quản lý tiền tệ.

Trong khi các cơ quan quản lý ngoại hối hiện đang xem xét các động thái để đưa đồng won trở nên toàn cầu hơn, chẳng hạn như kéo dài thời gian giao dịch ngoại hối, thì ký ức về các cuộc khủng hoảng ngoại hối tàn khốc đã phủ bóng đen lên các cuộc cải cách.

Đối với nhiều doanh nghiệp và những người tham gia thị trường, những hạn chế phức tạp của Hàn Quốc đối với các giao dịch xuyên biên giới, như yêu cầu báo cáo hàng ngày và các quy tắc môi giới khiến việc kinh doanh ngoại hối trở nên chậm chạp và tốn kém.

Bongju Kang, giám đốc tài chính của một công ty xuất khẩu vật liệu nhựa nhỏ của Hàn Quốc cho biết: “Việc thị trường ngoại hối mở cửa gần như cả ngày chắc chắn sẽ giúp chúng tôi lập kế hoạch chuyển đổi tiền tệ tốt hơn và đạt được thỏa thuận tốt hơn…Hiện tại, chúng tôi thương lượng tỷ giá hối đoái với một ngân hàng địa phương ngay khi chúng tôi thấy một báo giá tốt hoặc đôi khi trước hàng giờ, đặc biệt khi quy mô của giao dịch lớn”.

Các hạn chế về ngoại hối là một trong những yếu tố thường bị đổ lỗi cho hiện tượng “Chiết khấu của Hàn Quốc” - thuật ngữ chỉ sự kém hiệu quả trên toàn cầu của chứng khoán nước này. Các vấn đề khác bao gồm việc ra quyết định kém và khả năng quản lý yếu kém của các tập đoàn lớn.

Các cơ quan quản lý cho biết, vẫn cần phải giám sát thị trường ngoại hối kỹ lưỡng để ngăn chặn sự biến động tiền tệ gây mất ổn định.

Một quan chức của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết: “Chúng tôi cần theo dõi thị trường trong những thời điểm biến động vì thanh khoản không phải lúc nào cũng dồi dào trên thị trường nội địa”.

Shin Jong-beom, người đứng đầu Văn phòng Tài chính Quốc tế của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, các cơ quan quản lý sẽ duy trì hệ thống giám sát hiện tại và “sẵn sàng nhanh chóng nắm bắt và ứng phó với mọi hành vi đáng lo ngại trên thị trường”.

Cho đến năm ngoái, đồng won chỉ có thể được trao đổi trực tiếp với đồng đô la Mỹ hoặc đồng nhân dân tệ trong tổng số 56 tổ chức tài chính có trụ sở tại nước này chỉ trong 6 tiếng rưỡi mỗi ngày, thông qua các công ty môi giới được ủy quyền ở Seoul.

Điều này có nghĩa là các công ty sẽ chịu chi phí cao hơn, vì họ phải dựa vào các hợp đồng phái sinh để quản lý mức độ tiếp xúc với đồng won ngoài khung thời gian giao dịch trong nước từ 09:00 đến 15:30.

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 7, Hàn Quốc sẽ mở rộng thời gian giao dịch đến 02:00 theo giờ London và nước này dự kiến sẽ có sự tham gia rộng rãi hơn của nước ngoài với khoảng 20 ngân hàng nước ngoài đăng ký tham gia thị trường liên ngân hàng.

Những thay đổi đó diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Yoon Suk-yeol tiến hành những cải cách rộng rãi hơn nhằm loại bỏ hiện tượng “Chiết khấu Hàn Quốc” và nhằm mục tiêu đưa Hàn Quốc vào các chỉ số hàng đầu như Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới FTSE (WGBI) và các tiêu chuẩn thị trường phát triển của MSCI. Theo một số ước tính, việc đưa WGBI vào có thể thu hút dòng vốn lên tới 70 tỷ USD.

Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối tại Monex Europe cho biết: “Với việc các ngân hàng quốc tế chỉ được phép tiếp cận một phần thị trường liên ngân hàng Hàn Quốc và không có kế hoạch mở rộng thị trường nước ngoài trong tương lai, chúng tôi không kỳ vọng khả năng tiếp cận thị trường tài chính Hàn Quốc sẽ thay đổi đáng kể so với thời gian giao dịch rộng hơn”.

Kỳ vọng vượt qua đồng bảng Anh

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), từ năm 2022, giá trị giao dịch của đồng won đạt 66 tỷ USD mỗi ngày và chiếm khoảng 1% khối lượng ngoại hối toàn cầu, so với 3% đối với đồng đô la Canada và 6% đối với bảng Anh.

Điều đó giữ Hàn Quốc trong câu lạc bộ thị trường mới nổi, vì khối lượng giao dịch đồng won so với GDP vẫn ở mức khoảng 8%, tương tự như zloty của Ba Lan và peso của Chile.

Kim Hee-jin, người đứng đầu giao dịch tại Ngân hàng Shinhan cho biết: “Không có lý do gì đồng won không thể vượt qua bảng Anh nếu các quy định ngoại hối được nới lỏng đủ để tạo cơ hội cho thị trường bắt kịp các nhà xuất khẩu toàn cầu mà chúng ta có ngày nay”.

Không giống như đồng đô la Hồng Kông hay bảng Anh, các ngân hàng nước ngoài phải giao dịch đồng won thông qua hai công ty môi giới Hàn Quốc để giao dịch giao ngay và trả hoa hồng cho ngân hàng địa phương để thực hiện nghĩa vụ báo cáo với cơ quan chức năng.

Các ngân hàng nước ngoài cũng không được phép giao dịch trực tiếp đồng won giữa họ ở nước ngoài.

Việc tập trung nhiều vào giám sát thị trường một phần phản ánh tư duy cảnh giác cao độ được hình thành sau những nỗi đau tài chính như Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Hiện tại, BOK có thể xem xét mọi giao dịch giữa đồng đô la và đồng won thông qua các công ty môi giới - hệ thống được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước để tránh lặp lại tình trạng tháo vốn từng xảy ra vào năm 1997, khi đồng won mất một nửa giá trị.

Một trader có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng toàn cầu cho biết: “Các quy tắc áp dụng cho giao dịch đồng won thực sự chưa từng được biết đến ở bất kỳ đâu…Hàn Quốc đang mở cửa thị trường nhưng không có nghĩa là mọi người đều có thể tham gia và giao dịch đồng won”.

Hà Trần (t/h)