Vừa qua, Thương hiệu & Công luận nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về một số sản phẩm thực phẩm có tên như: Viên Hà Thủ Ô mật ong rừng, Cà gai leo mật nhân, Viên nghệ sữa ong chúa, viên mầm đậu nành Hồng sâm Mattcha, viên trinh nữ hoàng cung, viên tam thất, Tinh bột nghệ mật ong… do một số cơ sở trên địa bàn xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sản xuất có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực thẩm (ATTP), nguồn gốc nguyên liệu sản xuất có dấu hiệu không rõ ràng, trên nhãn sản phẩm chỉ có tên sản phẩm và hạn sử dụng còn lại không có thông tin nào về đơn vị sản xuất, thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Đặc biệt, nếu khách hàng muốn in thành phần của sản phẩm ra sao thì tự đặt tem nhãn rồi dán cho sản phẩm (cơ sở sản xuất chỉ cung cấp vỏ hộp và ruột sản phẩm).

Một số sản phẩm cơ sở cung cấp
Một số sản phẩm cơ sở cung cấp
Sản phẩm Viên Mầm Hồng sâm Mattcha - tem nhãn về khách tự dán
Sản phẩm Viên Mầm Hồng sâm Mattcha - tem nhãn về khách tự dán?
Tem nhãn về khách hàng tự dán nếu mua số lượng nhiều
Tem nhãn về khách hàng tự dán nếu mua số lượng nhiều
Tem sản phẩm
Tem sản phẩm

Tiếp nhận phản ánh, phóng viên đã tiếp cận, tìm hiểu và được biết các sản phẩm trên được sản xuất tại các cơ sở ở địa chỉ xóm 8, thôn Điền Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Trong đó, trên địa bàn thôn Điền Xá có 3 cơ sở gồm Cơ sở sản xuất Dương Thị Hồng Vân, cơ sở sản xuất Dương Thị Lan Anh và Công ty TNHH Thảo Mộc Osaka được ông Trương Quốc Hưng (nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam, nay là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ kiều kiện an toàn thực phẩm.

Để có góc nhìn khách quan nhất về các sản phẩm nêu trên, trong vai người có nhu cầu nhập hàng, phóng viên đã có những trao đổi về thông tin sản phẩm với cơ sở sản xuất Dương Thị Lan Anh (địa chỉ xóm 8, thông Điền Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) theo số điện thoại: 09662368xx.

Trao đổi với phóng viên, người phụ nữ này cho biết, giá của các sản phẩm sẽ theo số lượng mà khách hàng đặt. Còn nếu khách hàng lấy ít thì vui lòng đặt trên shopee (gửi link gian hàng). Hàng sẽ chuyển qua đường bưu điện, còn nếu lấy hàng trực tiếp thì sản phẩm được để ở Cầu Ba Đa (TP. Phủ Lý, Hà Nam) – không cho khách tới xưởng lấy hàng (?!).

Cơ sở chỉ gửi tại
Cơ sở chỉ gửi hàng tại "cầu Ba Đa Hà Nam" nếu khách có nhu cầu trực tiếp lấy nhiều - không được qua xưởng lấy hàng (?!)

Đáng nói, khi được hỏi về giấy tờ của hàng hóa thì người phụ nữ này cho biết, hàng hóa có ATTP, có hóa đơn VAT nếu khách cần. Tuy nhiên, sảm phẩm tem mác không có thành phần công dụng. Nếu khách thích thành phần công dụng thì tự làm tem vì sản phẩm chỉ đăng ký thực phẩm thông thường nên không làm thành phần công dụng cụ thể…(?!).

Khi phóng viên thắc mắc, thì người phụ này giải thích “tem chỉ có tên sản phẩm và hạn sử dụng thôi, còn nếu khách hàng muốn có thành phần như thế nào thì khách tự làm tem nhãn, bên đơn vị sản xuất chỉ cung cấp sản phẩm (vỏ lọ và thành phẩm bên trong lọ) thôi”.

Sản phẩm không có thành phần công dụng, khách thích thì tự làm tem dán...?
Sản phẩm không có thành phần công dụng, khách thích thì tự làm tem dán...?

Qua đây, với những thông tin mập mờ, không rõ ràng từ đơn vị sản xuất, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ, cảnh giác trước khi sử dụng những sản phẩm nêu trên.

Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) - đơn vị cấp phép cơ sở đủ điều kiện ATTP
Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) - đơn vị cấp phép cơ sở đủ điều kiện ATTP

Để có cái nhìn rõ hơn về công tác cấp phép cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như quá trình kiểm tra, công tác hậu kiểm về chất lượng hàng hóa đối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng do ngành nông nghiệp quản lý, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã liên hệ làm việc với Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) - đơn vị cấp phép cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nhận được câu trả lời: “Từ chối làm việc trực tiếp mà thay vào đó sẽ tiếp nhận thông tin và trả lời bằng văn bản”.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lần liên hệ với ông Trương Quốc Hưng (nguyên Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam, nay là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam) và ông Tăng Xuân Hòa (Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nam) để có thông tin về văn bản trả lời những đề nghị từ cơ quan ngôn luận thì “bất ngờ” phía Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lại yêu cầu phóng viên về liên hệ từ đầu với Sở NN&PTNT Hà Nam.

Được biết, trước đó một số cơ sở trên đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và tịch thu nhiều hàng hóa.

Thiết nghĩ, với các hàng hóa thuộc lĩnh vực đang trực tiếp quản lý và phụ trách, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan về hậu kiểm, quản lý chất lượng sản phầm… cần sớm vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ và xử lý trách nhiệm của các cá nhân tổ chức có liên quan (nếu có); đồng thời đưa ra những cảnh báo xác đáng, kịp thời nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Minh Đức - Hải Minh