THCL Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn tới; khẳng định các cam kết và vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong-Nhật Bản; tăng cường sự tin cậy chính trị, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản phát triển ngày càng hiệu quả.

Lãnh đạo các nước Mekong, Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao lần thứ 7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo các nước Mekong, Nhật Bản thông qua Chiến lược Tokyo 2015

Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt tăng trưởng chất lượng tại Tiểu vùng Mekong.

Theo đó, các chương trình hợp tác sẽ tập trung vào 4 trụ cột hợp tác, gồm: Phát triển hạ tầng công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực; phát triển bền vững vì một Tiểu vùng Mekong xanh; tăng cường phối hợp với các cơ chế Tiểu vùng Mekong khác và hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan.

Để triển khai Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo yêu cầu các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế xây dựng Kế hoạch hành động và “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong”.

Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.

Hội nghị cấp cao Mekong- Nhật Bản lần thứ 7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đề cập 3 nội dung lớn trong hợp tác Mekong-Nhật Bản

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập 3 nội dung chính mà hợp tác Mekong-Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng chất lượng tại các quốc gia thành viên, gồm: Hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm chung của các nhà lãnh đạo thể hiện trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản.

Thủ tướng nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây quan ngại sâu sắc và sự lên tiếng không chỉ của các nước ASEAN, của khu vực mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe tại hội đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản

Tại Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Hai Thủ tướng nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, tăng cường sâu sắc hơn nữa sự tin cậy về chính trị. Theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cũng nhận lời sớm thăm lại Việt Nam.

Về hợp tác kinh tế, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, sớm hoàn thành Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp. Thủ tướng Shinzo Abe cam kết dành nguồn vốn ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững, cam kết cung cấp ODA vốn vay cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Nhật).

Thủ tướng Shinzo Abe cũng cam kết xem xét nghiêm túc đề  nghị của Việt Nam về việc duy trì và tăng quy mô hỗ trợ các Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật hướng đến 2020, tầm nhìn 2030.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tích cực hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Dự án Đại học Việt-Nhật; mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên; hoan nghênh và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư Khu đô thị thông minh Bắc Hà Nội. Hai bên nhất trí cao tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai nước tăng mạnh kim ngạch thương mại, đầu tư FDI và du lịch giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ việc Việt Nam ủng hộ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượng.

Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông.

“Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong - Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về phía mình, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc việc đơn phương thay đổi hiện trạng quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự trong khu vực. Chúng tôi cam kết cùng duy trì trật tự hàng hải và hàng không. Chúng tôi rất vui sẽ hợp tác cùng nhau đóng góp cho sự ổn định của khu vực và quốc tế”.

Hai Thủ tướng cho biết với sự nỗ lực và thiện chí của hai bên, hai Thủ tướng đã nhất trí tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số vấn đề kỹ thuật còn lại hai đoàn đàm phán sẽ thảo luận để hoàn tất. Hai bên sẽ nỗ lực để cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán TPP.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản vào thành công của Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này với việc thông qua “Chiến lược Tokyo 2015” xác định phương hướng của cơ chế hợp tác này trong giai đoạn tiếp theo.

Hội đàm cấp cao Việt Nam- Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Tối 4/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Việt Nam đã rời Tokyo về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7; thăm làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo Chinhphu.vn