Theo ghi nhận, vào lúc 21h ngày 9/6, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco đang niêm yết ở mức 1.890,1 - 1.891,1 USD/ounce, giảm 2 USD so với phiên liền trước.
Trong nước, chốt phiên giao dịch cùng ngày, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 56,65 - 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên giá ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Chênh lệch giá bán và giá mua 600.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm còn 56,72 - 57,24 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long niêm yết tại 52,98 - 53,58 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,25 - 53,35 triệu đồng/lượng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/6, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,27 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo trang Reuters, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang neo ở gần mức thấp nhất hơn một tháng qua, trong khi chỉ số đồng USD mạnh lên. Sự giằng co của hai nhân tố này đã khiến giá vàng “giậm chân tại chỗ” trong phiên giao dịch chiều 9/6.
Đối tác quản lý tại SPI Asset Management Stephen Innes cho biết, giới đầu tư đang hướng về cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào tuần tới và dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thảo luận về việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, ngày 10/6, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lưu ý môi trường lãi suất cao hơn một chút "sẽ là một điểm cộng” cho quan điểm của xã hội và quan điểm của Fed.
Theo các nhà phân tích tại Công ty tài chính Société Générale, hãy tận hưởng đà tăng của vàng vì có thể, đà tăng này không thể kéo dài đến cuối năm.
Các nhà phân tích cho rằng, áp lực lạm phát gia tăng sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường vàng.
Cùng với áp lực lạm phát, nhà phân tích cho rằng một kịch bản mà họ đang theo dõi là một cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền tiềm tàng khi các quốc gia đối phó với mức chi tiêu quá mức cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đã bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, bất ổn địa chính trị đang diễn ra cũng sẽ hỗ trợ cho vàng.
Các nhà phân tích tại Société Générale nhấn mạnh: "Chúng tôi thấy đầu tư vào vàng sẽ tăng lên, nhưng có thể có những trở ngại như đồng USD sớm muộn cũng sẽ mạnh lên".
Dù vậy, vẫn chưa thể mừng vội bởi các nền kinh tế đang phục hồi và đây là mối đe dọa lớn nhất đối với kim loại quý này.
Các nhà phân tích nhận định: "Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và các quốc gia châu Âu đang tích cực tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điều này đảm bảo, đại dịch sẽ được kiểm soát và bắt đầu phát triển kinh tế".
Cùng quan điểm với các nhà phân tích tại Société Générale, Briton Hill, chủ tịch và đối tác của Weber Global Management nhận định, rủi ro chính mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong thập kỷ này không phải là sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán mà là lạm phát.
Chủ tịch Hill nhận thấy: "Trên lý thuyết, mọi người đều kiếm tiền, nhưng trên thực tế, đồng tiền sẽ mất giá vì tỷ lệ lạm phát quá cao. Đó có nhiều khả năng là những gì chúng ta sẽ phải đối mặt nếu Mỹ tiếp tục in tiền và mua tài sản.
Nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn tốc độ tăng giá tài sản, các nhà đầu tư sẽ kết thúc bằng việc thua lỗ".
Ông Hill cho rằng, nhìn chung, áp lực lạm phát mạnh hơn rất nhiều so với những gì mọi người nghĩ.
Vị chuyên gia này cho biết: "Cụ thể, giá thực phẩm đã tăng hơn 10%, khí đốt đã tăng gần gấp đôi, chi phí chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng với tốc độ từ 10-15% so với một năm trước. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lạm phát đã ở mức 10% ngay bây giờ và chúng ta có thể phải đối mặt với áp lực lạm phát ít nhất trong 3-5 năm tới".
Theo ông Hill, gần như mọi loại tài sản đều đang tăng lên. Ông nói: "Thật dễ dàng để kiếm tiền ngay bây giờ. Bạn chỉ cần mua một thứ gì đó và chờ đợi. Cho dù đó là tiền điện tử, ô tô, cổ phiếu hay bất động sản".
Tuy nhiên, thực tế là khi lạm phát đang trở thành hiện thực, các nhà đầu tư sẽ khôn ngoan để phòng ngừa rủi ro tốt nhất có thể và vàng, bạc, dầu sẽ nằm trong danh sách đó.
Ông Hill dự đoán, kim loại quý sẽ tăng lên 20.000 USD trong thập kỷ này dựa trên xu hướng kỹ thuật và môi trường vĩ mô lạm phát.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Về dài hạn, chúng ta có thể đang bước vào một chu kỳ tương tự như những năm 1970, khi ngành kim loại quý tăng hàng nghìn điểm phần trăm. Nếu những điều tương tự như vậy sẽ tái diễn trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy vàng 5.000 USD, 10.000 USD, thậm chí 20.000 USD. Vàng có thể dễ dàng chạm mốc 20.000 USD / ounce trong thập kỷ tới".
Trúc Mai