EVNNPC: 55 năm giữ dòng điện như dòng máu của mình
Lịch sử hào hùng
Tháng 10/1969, Công ty Điện lực là tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày nay, được thành lập với tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp Nhà nước chuyên trách lĩnh vực điện.
Những ngày đầu thành lập, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, kỹ thuật lạc hậu, cũ kĩ, quy mô nguồn điện và lưới điện rất nhỏ. Thêm vào đó, cơ sở điện chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tàn phá của chiến tranh. Tuy nhiên, với nỗ lực cố gắng không ngừng, phát huy tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, cán bộ nhân viên đã khôi phục các cơ sở điện, đảm bảo dòng điện được vận hành liên tục.
Cuối năm 1973, Công ty đã thành công trong việc nâng công suất từ 181 MW khi tiếp nhận lên 231 MW thông qua việc đưa thêm 12 lò hơi, cùng 11 tổ máy vào hoạt động. Đời sống sinh hoạt của nhân dân miền Bắc từ đó được cải thiện đáng kể nhờ nguồn điện ổn định phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Công ty Điện lực tập trung khắc phục hậu quả do chiến tranh và khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản cơ sở vật chất của ngành điện lực ở miền Nam. Đồng thời, hỗ trợ và chi viện tối đa về nhân lực là những cán bộ giỏi, công nhân có tay nghề cao giúp đỡ khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và Đường dây 230kV Đa Nhim.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm (1976-1980), Công ty Điện lực miền Bắc (được đổi tên từ Công ty Điện lực) thực hiện chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh và mở rộng các cơ sở điện lực sẵn có. Đồng thời, chỉ đạo sát sao việc khảo sát, thi công Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, xây dựng mới các đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối và cải tạo lưới điện hạ thế ở các tỉnh/thành phố, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội. Tính đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn điện đã đạt 590,4 MW; đường dây các cấp điện áp từ 3kV đến 110kV có 9.286,5km; tổng dung lượng máy biến áp các loại là 2.560 MVA; công suất sử dụng của công nghiệp Trung ương tăng 1,6 lần và công nghiệp địa phương tăng 1,4 lần, sử dụng cho máy bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Bắt nhịp cùng công cuộc đổi mới
Năm 1987, Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới Đất nước, Nhà nước tiến hành mở cửa và hội nhập trên hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng là những thách thức đối với Công ty Điện lực 1 về đáp ứng nhu cầu điện. Nhận thức rõ chức năng, vị trí, vai trò quan trọng của mình, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực 1 đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới Đất nước, trên tinh thần “Điện phải đi trước một bước”.
Thành tựu nổi bật của giai đoạn này được mở đầu bằng việc đưa 4 tổ máy (440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống. Tiếp đến là tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn và liền sau đó, hàng năm đưa thêm từ 1 đến 2 tổ vào hoạt động sản xuất, tăng thêm 20% sản lượng và tạo sự chuyển biến về chất cho hệ thống điện miền Bắc. Hàng loạt đường dây 110kV được xây dựng và đưa vào vận hành, như: Thái Nguyên – Cao Bằng, Mộc Châu – Mai Châu, Cẩm Phả – Tiên Yên…; Trạm biến áp 110kV Tiên Yên, Tuyên Quang… Tất cả vì mục tiêu đưa lưới điện quốc gia đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa ở các địa phương còn nhiều khó khăn.
Năm 1995, cùng với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc EVN từ ngày 01/4/1995. Chức năng quản lý Nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp các địa phương. Các đơn vị đang trực thuộc Công ty Điện lực 1, như: Nhà máy phát điện Hòa Bình, Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thác Bà…, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện, Trung tâm Máy tính, Trung tâm Thông tin, Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Bắc được đưa về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Các Sở Điện lực tỉnh, thành phố đổi tên thành các Điện lực tỉnh trực thuộc Công ty Điện lực 1. Từ đó, Công ty Điện lực 1 chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện chức năng kinh doanh điện năng, quản lý vận hành sửa chữa lưới điện và phát triển lưới điện đến cấp điện áp 110kV ở miền Bắc.
Như vậy, có thể khẳng định, Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình. Đó là gìn giữ và phát triển cơ sở vật chất, đảm bảo cung cấp điện phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ cơ sở hạ tầng điện còn manh mún, khó khăn ban đầu, Công ty Điện lực 1 đã ghi dấu ấn quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ qua các thời kỳ với hệ thống điện phủ kín khắp các vùng miền khu vực miền Bắc.
Chuyển đổi mô hình, đi đầu với nhiều điểm sáng
Năm 2010, đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành điện, với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Việc chuyển đổi mô hình là ghi nhận và đánh dấu bước chuyển biến lớn trong lịch sử phát triển của EVNNPC cả về lượng và chất, phù hợp với xu thế phát triển của Đất nước cũng như tình hình phát triển của thế giới.
Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, EVNNPC đã nhanh chóng sắp xếp cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên theo tinh thần tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp và lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy khách hàng là đối tượng phục vụ với tiêu chí “Tổng công ty Điện lực miền Bắc vì sự phát triển của cộng đồng”.
Giai đoạn 2010-2014, EVNNPC triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao cho ngành Điện, đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; đó là tiếp tục thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi và hải đảo những nơi chưa có điện lưới quốc gia nhằm phục vụ đời sống nhân dân và góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn là phương châm hành động của tập thể Ban lãnh đạo, Lãnh đạo các đơn vị thành viên cùng sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn EVNNPC đã góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch EVN giao với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 11%-12%; đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Giai đoạn 2014 - 2018, EVNNPC thực hiện “Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” và “Năng suất và hiệu quả”, “Đẩy mạnh Khoa học công nghệ”, chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm thương hiệu.
EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của các Công ty Điện lực tăng từ 12% đến hơn 14%. Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 64,27 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng 12,1%, vượt 370 triệu kWh so với kế hoạch giao.
Thủ tục cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp của ngành điện năm 2014 gồm 5 bước, thời gian giải quyết 36,89 ngày. Đến năm 2018, EVNNPC rút ngắn còn 2 bước với thời gian giải quyết dưới 6 ngày, góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc, từ vị trí 156 lên vị trí 27 và là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất năm 2018 trong các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và xã hội, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ASEAN- 4, đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến 2020.
Trong xu thế phát triển hiện nay, việc nâng cao chất lượng các dịch vụ là chủ trương chung mà các doanh nghiệp cùng hướng tới. Theo đó, EVNNPC xác định việc cải cách hành chính trong công tác phục vụ các dịch vụ khách hàng là một trong những vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về chất lượng phục vụ các dịch vụ của ngành điện với phương châm “dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát”.
Đến tháng 12/2018, toàn bộ 15 tỉnh/thành phố có trung tâm hành chính công trên địa bàn EVNNPC quản lý đã thực hiện việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ điện trực tiếp và 12 tỉnh chưa có Trung tâm hành chính công, các Công ty Điện lực đã triển khai việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ điện trên cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành 100% chỉ tiêu EVN giao.
EVNNPC đồng thời triển khai cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ; thực hiện 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng năm sau tốt hơn năm trước, thời gian trung bình giải quyết yêu cầu đều đạt so với quy định; các Công ty Điện lực triển khai áp dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, như: Sử dụng máy tính bảng để phát triển khách hàng, ghi chỉ số và chấm xóa nợ, ký kết với các đối tác thu hộ tiền điện để nâng cao hiệu thanh toán tiền điện của khách hàng qua cổng thanh toán điện tử, ứng dụng hiệu quả chương trình nhắn tin chăm sóc khách hàng...
Từ cuối năm 2015, EVNNPC đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm chăm sóc khách hàng với Tổng đài 19006769 hoạt động 24/7 để cung cấp thông tin và giải đáp, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc. Việc thành lập Trung tâm chăm sóc khách hàng đảm bảo cho EVNNPC tiếp nhận các ý kiến, hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng điện, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi tiếp xúc với ngành điện cũng là một trong những thành công trong quá trình nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ điện lực.
Năm 2015, EVNNPC thực hiện phát hành hóa đơn điện tử. Đến năm 2017, đưa các dịch vụ điện trực tuyến vào hoạt động. Chỉ một năm sau, đưa các dịch vụ thanh toán tương cấp độ 4.
Bản lĩnh vượt qua đại dịch
Năm 2021 và 2022 là hai năm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhất, mặc dù vậy, sản lượng điện thương phẩm năm 2021 của EVNNPC vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt và cao nhất trong 5 Tổng công ty phân phối thuộc EVN là 81,831 tỷ kWh, tăng trưởng 9,31% so với năm 2020; các chỉ tiêu kinh doanh dịch vụ khách hàng đã hoàn thành và đạt so với quy định của của Tập đoàn, cụ thể: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 97,52%, cao hơn 2,52% so với kế hoạch giao và tăng 14,6% so với năm 2020; cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 toàn Tổng công ty đạt 93,14%, vượt 13,14% so với kế hoạch năm được giao; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 71,31% vượt 7,77% so với chỉ tiêu EVN giao; 100% hóa đơn điện tử cung cấp qua ứng dụng (App) chăm sóc khách hàng, Web chăm sóc khách hàng; hoàn thiện công tác số hóa hợp đồng hồ sơ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, khách hàng có thể tra cứu được trên Web, App chăm sóc khách hàng.
EVNNPC đã triển khai Tháng tri ân khách hàng với thông điệp “Đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19” tạo sự gắn kết, thiết thực, hướng trực tiếp vào việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch bằng nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực: Sửa chữa, lắp đặt mới hệ thống điện sinh hoạt cho các hộ nghèo, bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh; miễn phí lắp đặt công tơ, vệ sinh trạm biến áp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID - 19 … cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội đã tổ chức thực hiện như hỗ trợ thăm hỏi các hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như, trẻ em bị mồ côi do cha, mẹ mất vì nhiễm COVID - 19 ở các địa phương, hỗ trợ người già neo đơn không có người nương tựa; tặng sách vở, thiết bị học tập, áo ấm, máy tính bảng cho các học sinh nghèo phục vụ học tập trực tuyến, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động; tặng quà, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng...
Hoạt động đầu tư xây dựng của EVNNPC cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách của đại dịch do một số tỉnh/thành phố phía Bắc thực hiện giãn cách xã hội. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều khu vực gặp khó khăn ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện đầu tư các dự án. Tuy nhiên, EVNNPC cũng đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu về đầu tư xây dựng với việc khởi công được 88/78 dự án 110kV, đạt 112,8% kế hoạch EVN giao; đóng điện được 86/81 dự án 110kV, đạt 106,2% kế hoạch EVN giao.
Trong tình hình đại dịch, công tác chuyển đổi số càng được EVNNPC đẩy nhanh tiến độ với các nhiệm vụ chính như: Số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu thanh toán, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch…; bổ sung các ứng dụng phục vụ số hóa, khai thác dữ liệu và triển khai tới tất cả đơn vị như: ứng dụng tính toán tổn thất, phần mềm quản lý máy biến áp… số hóa quy trình nghiệp vụ lĩnh vực tài chính kế toán, kinh doanh dịch vụ khách hàng và kỹ thuật – an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình tự động hoá lưới điện trung áp, trạm biến áp kỹ thuật số, chăm sóc khách hàng tự động, đẩy mạnh lắp đặt công tơ điện tử, nâng cao tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa, khai thác thiết bị…
Năm 2022, EVNNPC đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên chủ đề năm của EVN “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, kết quả, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 86,3 tỷ kWh - là đơn vị có điện thương phẩm lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối của EVN; tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện 4,30%, giảm 0,24% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 0,1% so với kế hoạch EVN giao; các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện đạt: MAIFI 2,11 lần; SAIDI 405,12 phút; SAIFI 4,35 lần; hoàn thành toàn bộ chương trình xây dựng Trung tâm điều khiển và cải tạo chuyển đổi toàn bộ 278 Trạm biến áp 110kV đang vận hành sang chế độ trực từ xa/không người trực…
Định hướng tương lai
Chiến lược phát triển của EVN đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, EVN sẽ phát triển thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phân phối điện năng và dịch vụ khách hàng, hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, phấn đấu từ năm 2025 trở đi nằm trong nhóm các nước ASEAN-3 về dịch vụ khách hàng và duy trì vị trí này trong suốt giai đoạn đến năm 2045; nâng cao hiệu quả ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; đến năm 2025, EVN hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ phát triển lưới điện thông minh, phục vụ quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu điều khiển xa, không người trực vận hành đối với 100% các trạm biến áp 110kV trong giai đoạn 2021 - 2025 và 100% các trạm biến áp 220kV giai đoạn 2025 - 2030.
Để thực hiện Chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tháng 11/2022 EVNNPC đã quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Theo đó xác định mục tiêu:
Giai đoạn 2021-2025: (i) Phát triển EVNNPC thành Tổng công ty kinh doanh điện năng đứng đầu trong EVN với hệ thống quản trị tiên tiến, hiệu quả dựa trên nền tảng văn hóa chuẩn mực và nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số có văn hóa mạnh; (ii) Đảm bảo đáp ứng cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh thông qua việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực cho lĩnh vực quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh bán điện; (iii) Bảo toàn, phát triển vốn chủ sở hữu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; (iv) Đột phá trong nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và mở rộng kinh doanh dịch vụ trên cơ sở sử dụng tối ưu các thành quả của cuộc CMCN 4.0.
Giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045: Tiếp tục phát triển EVNNPC thành Tổng công ty kinh doanh điện năng đứng hàng đầu trong các nước ASEAN, tiệm cận với các Công ty kinh doanh điện năng hàng đầu khu vực ASIA về các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, trình độ quản trị tiên tiến, có phong cách quản lý chuyên nghiệp, vận hành lưới điện theo hướng tự động hóa và có nguồn lực tài chính vững mạnh.
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2045, EVNNPC xây dựng các chỉ tiêu: Sản lượng điện thương phẩm đạt 305,5 tỷ kWh; Tổn thất điện năng đạt 3,5%; SAIDI < 100 phút/KH; 100% các TBA 110kV kỹ thuật số; 100% lưới điện 110kV đạt tiêu chí N-1 và 25% lưới điện 110kV đạt tiêu chí N-2; 100% xuất tuyến trung áp vận hành tự động (DAS/DMS); 45% lưới điện trung áp được ngầm hóa khu vực thành phố/thị xã và 30% lưới điện hạ áp được ngầm hóa khu vực thành phố/thị xã; Phát triển phòng thí nghiệm tiên tiến; Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; … và đưa ra kế hoạch xây dựng 89 nhiệm vụ thuộc 11 nhóm giải pháp theo định hướng của EVN. Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển lưới điện, hạ tầng thông tin, hạ tầng số,... đồng bộ, thông qua ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và các chương trình hợp tác quốc tế để đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận công nghệ quản trị tiên tiến, từng bước làm chủ KHCN trong công tác quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo vệ môi trường và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhằm hướng tới xây dựng và phát triển EVNNPC đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tri thức và bền vững của Chính phủ với hình ảnh một doanh nghiệp tận tâm, có tinh thần trách nhiệm cao, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của xã hội, xây dựng giá trị cốt lõi văn hóa doanh nghiệp và thực thi khát vọng “Thắp sáng niềm tin”.
55 năm lịch sử xây dựng và phát triển của EVNNPC cũng chính là 55 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và góp phần tái thiết đất nước sau giải phóng miền Nam. Các thế hệ EVNNPC đã nỗ lực “giữ dòng điện như dòng máu của mình”, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên những trang lịch sử hào hùng nước Việt. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy trong công cuộc phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhóm phóng viên
Bài liên quan
Bài viết khác
Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Agribank ủng hộ kinh phí 100 tỷ đồng, với mong muốn chung tay cùng hệ thống chính trị hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đợt thi đua cao điểm từ nay đến hết năm 2025.
Điện Máy Xanh Lạng Sơn: Trao tặng 600 nồi cơm điện cho người dân huyện Tràng Định
Trong 2 ngày (2 và 3/10), Cửa hàng Điện Máy Xanh chi nhánh Lạng Sơn, thuộc Công ty Cổ phần Thế giới di động đã tổ chức chương trình trao tặng nồi cơm điện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại các xã Đề Thám, Hùng Sơn, Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
Gắn biển công trình thanh niên chào mừng 30 năm thành lập TKV
Ngày 3/10, tại TP. Cẩm Phả, Đoàn Thanh niên Công ty Than Cao Sơn - TKV tổ chức gắn biển công trình thanh niên cấp Đoàn Than Quảng Ninh “Thi công tuyến đường mức +200 lên +300 khu vực bãi thải Bàng Nâu”.
Chủ tịch PVOIL tự tin “phá kỷ lục” doanh thu năm 2024 với 120.000 tỷ đồng, giới thiệu app cho mua xăng dầu trước, trả tiền chậm sau đó
Theo ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL), về sản lượng, trong năm 2023, PVOIL đã tăng trưởng 27% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng 18% và vượt kế hoạch đề ra 5%.
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn: Chủ động phòng ngừa, ứng phó mùa mưa bão
Nhận định công tác chủ động chuẩn bị và triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm vận hành ổn định và an toàn hệ thống điện, từ đầu năm 2024, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã tiến hành hàng loạt hoạt động nhằm đối phó với các nguy cơ thiên tai và bảo vệ an toàn cho người lao động, thiết bị và cơ sở hạ tầng.
PVcomBank tri ân khách hàng bằng nhiều ưu đãi hấp dẫn trên hệ sinh thái PVOne
Nhân kỷ niệm 11 năm ra mắt thương hiệu (1/10/2013 - 1/10/2024), với mong muốn tri ân các khách hàng thân thiết, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa chính thức triển khai chương trình khuyến mại “Hôm nay thứ mấy, sale từng ấy” từ nay đến hết 10/11/2024, mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn trên hệ sinh thái PVOne.
Công ty cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng trao quà hỗ trợ người dân Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Để hỗ trợ, động viên bà con tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (Yagi), Công ty cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (MIKADO) đã tới trao quà hỗ trợ cho người dân và các trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng đề xuất thu hồi nợ đối với dự án Trúc Phương
Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé, TP. HCM đề nghị tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện để cơ quan thi hành án kê biên, phát mãi tài sản tại dự án Trúc Phương Mađaguôi.
Mong muốn chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phần Dệt may Liên Phương, giá khởi điểm 12.000 đồng
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) mới thông qua phương án chuyển nhượng vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư tại CTCP Dệt may Liên Phương.
Hành trình phát triển thương hiệu Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính: Góc nhìn từ công tác quản lý
Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và các kiến thức khác cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính... Trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức mở nhiều lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ tài chính cho nhiều Bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, công tác quản lý tại trường còn tồn tại nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.