Bài 6: Dự án “ma” hoành hành, bỏ tiền thật mua dự án trên giấy
Không sở hữu quyền sử dụng đất nhưng ngang nhiên lập dự án ảo, nhận đặt cọc, mạo danh là chủ đầu tư để lập dự án và thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng dù thực tế thửa đất vẫn đang được thế chấp tại ngân hàng.
Tiên Phong Land đang bán cái gì?
Mới đây, hàng chục khách hàng đồng loạt ký tên gửi đơn đến cơ quan chức năng, công an Tp.HCM tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư Tiên Phong Land (Tiên Phong Land, 14B Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, Tp.HCM) do ông Vũ Tiến Hường và bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – đại diện pháp luật, đã tự ý lập dự án khống trên khu đất nông nghiệp diện tích 2.462m2 (thuộc các thửa đất 692, 695, 701 tờ bản đồ số 6 và thửa đất số 437 tờ bản đồ số 3, tại phường Phú Hữu, quận 9, Tp.HCM) sau đó lập hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng tại dự án Khu dân cư mới Gò Cát với tổng số tiền từ 1,8 tỷ đến 2 tỉ đồng/51m2 đất tùy thuộc vào vị trí lô đất.
Để mua được đất của dự án, khách hàng buộc phải thanh toán 50% giá trị hợp đồng ngay sau khi ký kết hợp đồng, số còn lại sẽ thanh toán theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra. Và trong vòng 5 tháng, khách hàng phải thanh toán cho chủ đầu tư 90% giá trị hợp đồng, lúc này chủ đâu tư mới tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng. 10% còn lại thanh toán lúc được giao đất.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết dù đã thanh toán đủ 90% giá trị hợp đồng vẫn không được Tiên Phong Land giao đất, không ký hợp đồng mua bán. Lúc này nhiều khách hàng mới tá hỏa khi biết rằng đây thực chất là dự án ma mà Tiên Phong Land đã lập ra để bán khống để thu lợi hàng chục tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của PV khu đất mà Tiên Phong Land lập dự án ảo có diện tích 2.462m2 thuộc các thửa đất 692, 695, 701 tờ bản đồ số 6 và thửa đất số 437 tờ bản đồ số 3, tại phường Phú Hữu, quận 9 được cấp cho hộ ông Huỳnh Văn Lượm (GCN QSDĐ số 00041/1B/QSDĐ 778/VB) và bà Ngô Lệ Trinh (GCN QSDĐ số 00796/QSDĐ-PH). Ngày 07/07/2018, ông Đinh Quốc Tuyến (đại diện bà Ngô Lệ Trinh và ông Huỳnh Văn Lượm) ký hợp đồng đặt cọc số 014348 với bà Lê Thị Tỉnh để mua bán diện tích đất nói trên. Tuy nhiên, trước đó, ngày 03/07/2018, bà Tỉnh và ông Vũ Tiến Hường đã ký hợp đồng đặt cọc để mua phần đất này.
Hiện trạng khu đất mà Tiên Phong Land đang lập dự án ma có những con đường đã trải nhựa bê tông, hệ thống thoát nước, các công trình phụ trợ… vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Những công trình này không thể này một ngày hai có thể hoàn thành.
Điều đáng nói, hồ sơ còn thể hiện vào năm 2016, 02 lô đất theo GCN số 00796/QSDĐ-PH và 00041/1B/QSDĐ 778/VB đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Số 06 (trụ sở tại Đà Nẵng), do ông Đinh Quốc Tuyến đại diện hộ bà Trinh và ông Lượm đem thế chấp tại ngân hàng Xây dựng sau đó mất khả năng thanh khoản. Theo thông báo của ngân hàng này, đã nhiều lần ngân hàng yêu cầu trả nợ và giảm nợ với số tiền lên tới 28 tỉ đồng, nhưng Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Số 06 vẫn không thực hiện.
Hiện trạng của 2 lô đất rất không rõ ràng, chưa thực hiện thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, ao sang đất ở; và chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phê duyệt hạ tầng để thực hiện việc phân lô tách thửa. Đặc biệt chính quyền địa phương khẳng định Tiên Phong Land không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất.
Trước đó, UBND phường Phú Hữu đã lập biên bản vi phạm hành chính số về hoạt động đầu tư xây dựng trên khu đất thuộc thửa 692, 695, 701, tờ bản đồ số 06 (TL 02/CT-UB). UBND quận 9 đã ban quyết định xử phạt về việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không có giấy phép xây dựng đối với ông Đinh Quốc Tuyến. Đồng thời UBND quận 9 cũng ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhưng trong thực tế, tại khu đất mà Tiên Phong Land đang lập dự án ma có những con đường đã trải nhựa bê tông, hệ thống thoát nước, các công trình phụ trợ… vẫn nghiễm nhiên tồn tại! mà những công trình này không thể này một ngày hai có thể hoàn thành.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao dù không có cơ sở pháp lý, Tiên Phong Land vẫn có thể xây dựng được một công trình quy mô để lừa đảo khách hàng một cách trắng trợn như vậy? Liệu cơ quan chức năng quận 9 nói chung và UBND phường Phú Hữu nói riêng, có vô can?
Hàng loạt dự án ảo trên địa bàn TP.HCM
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã rộ lên tình trạng vẽ dự án trên giấy để bán cho người dân rồi thu tiền. Nhưng trên thực tế không có dự án, người dân bỏ tiền tỉ ra mua đất chẳng nhận được gì ngoài những lời hứa hẹn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay khắp TP đã có hơn 50 dự án ma. Riêng tại quận Bình Tân có 16 dự án, tập trung chủ yếu tại sáu phường An Lạc, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo, Tân Tạo A và Bình Trị Đông A. Theo báo cáo rà soát của UBND quận Bình Tân, tất cả dự án này có hiện trạng quy hoạch là đất cây xanh, giáo dục, đường dự phóng…
Vị trí dự án được các đối tượng vẽ ra, rao bán là khu đất trống nằm ngay trong khu quy hoạch của Đại học Quốc gia TPHCM, đang chờ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa. Sự việc tương tự cũng xảy ra tại một khu đất 4.000m2 quy hoạch là công viên cây xanh, thể dục thể thao nằm trong hẻm 38 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), mà UBND phường cũng đã lên tiếng cảnh báo.
Sự bùng phát "dự án ma" diễn ra rầm rộ ở các huyện ngoại thành khác, như UBND huyện Hóc Môn đã tiếp nhận hơn 100 đơn trình báo của người dân; Công an xã Đông Thạnh và Nhị Bình phải làm hàng chục biển hiệu cảnh báo "dự án ma" cắm trên những khu đất bị rao bán.
Đặc biệt tại huyện Bình Chánh, UBND huyện cho biết phải cắm 500 biển báo khắp các xã để cảnh báo người dân, vì không có dự án nào như đang rao bán trên mạng internet.
Dự án đất nền đang được rao bán trên đường Dương Thị Giang, quận 12 chỉ là bãi đất hoang
Dưới góc nhìn pháp lý, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng sở dĩ bùng phát "dự án ma" là do pháp luật không nghiêm, như vi phạm của Công ty Alibaba xảy ra kéo dài thời gian qua, chứng cứ rõ ràng, nhưng không xử lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và bất cập của các bộ luật.
Lãnh đạo TPHCM cũng chỉ rõ, ở hai nhóm này, đầu nậu, cò đất, môi giới đất đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, tổ chức lực lượng bán mua sôi động…; người dân trở thành nạn nhân, mua đất đai ở những nơi chưa đảm bảo pháp lý.
Theo đó, những sai phạm của các đầu nậu, cò đất, môi giới là cố ý, cố tình vi phạm, lôi kéo người dân, biến người dân thành nạn nhân. Trong khi đó, hiện nay TPHCM chưa xử lý, chưa nhận diện, chưa có giải pháp xử lý các đối tượng này và chính điều đó tạo ra "điểm nóng" trên địa bàn, người dân bức xúc.
Hải Đăng