Bài 2: Tắc trách từ khâu phê duyệt…

Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, ngày 15/12/2010, ông Nguyễn Quốc Liên, Chủ tịch UBND TP. Việt Trì đã ký Quyết định số 15301/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án “Di chuyển cải tạo đường dây 110 kV Thác Bà - Việt Trì (từ cột 371 - 391), phục vụ bồi thường GPMB xây dựng Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp TP. Việt Trì”.

Làm việc tắc trách

Dự án có giá trị 26,76 tỷ đồng, kinh phí 100% từ nguồn vốn ngân sách; trong đó, chi phí xây dựng hơn 14 tỷ, hơn 1,5 tỷ cho tư vấn đầu tư xây dựng, hơn 305 triệu cho việc lập hồ sơ thu hồi và giao đất công trình, chi phí bồi thường lên đến hơn 9 tỷ và dự phòng hơn 1,5 tỷ.

Báo cáo số 193/BC-UBND của UBND TP. Việt Trì ngày 21/11/2014 nêu rõ, những đơn vị tham gia dự án đã được chỉ định. Trong đó: XN Điện cao thế miền Bắc là đơn vị chủ trì khảo sát, lập phương án, báo cáo UBND TP. Việt Trì thống nhất. XN này đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn năng lượng thực hiện các nội dung và có Văn bản số 1170/NGE-P2 ngày 19/5/2010 về việc phê duyệt hướng tuyến, dự toán di chuyển đường dây 110 kV Thác Bà - Viêt Trì từ cột 371 - 391 ra khỏi Quảng trường Hùng Vương, do XN Điện cao thế miền Bắc (nay là Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc) và Công ty CP Tư vấn năng lượng lập và phê duyệt.

UBND tỉnh có trách nhiệm phê duyệt dự án. Chủ đầu tư là UBND TP. Việt Trì, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình với trị giá 26,766 tỷ đồng; UBND TP. Việt Trì chỉ định thầu cho Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc.

Sau khi dự án tiền tỷ được "làm đẹp" trên giấy, vừa mới xây dựng xong hàng cột điện cao thế, chưa lắp xà, sứ, chưa kéo dây thì đã lập tức bị dỡ bỏ?

Một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án phải “khai tử”, tháo dỡ hàng loạt cột điện cao thế 110 kVgiá trị tiền tỷ là do cách làm việc tắc trách của hàng loạt cơ quan, đơn vị liên quan đến dự án.

Đặc biệt, đối với chi phí bồi thường hơn 9 tỷ đồng, đến nay, khi loạt cột điện cao thế đã bị tháo dỡ gần hết, thì người dân vẫn khiếu kiện, cho rằng UBND TP. Việt Trì chưa thực hiện chi trả đền bù cho các hộ dân khi bị lấy đất để xây dựng cột điện.

“Lộ diện” sai phạm?

Theo Báo cáo số 193/BC-UBND của UBND TP. Việt Trì ngày 21/11/2014 thì, sau khi UBND TP. Việt Trì có Quyết định chỉ thầu cho Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, đơn vị này đã tiến hành thi công xong 19 móng cột, lắp dựng 17/21 cột thép, kéo dây được 9 khoảng cột.

Tuy nhiên, khi kéo dây từ cột 382A - 388A thì vướng GPMB (không bảo đảm quy định về an toàn hành lang lưới điện). Điều đó có nghĩa, nếu việc thi công vẫn được tiến hành theo đúng dự án đã được phê duyệt thì sẽ phải di dời 200 hộ dân bên dưới đường dây với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng và phải bố trí quỹ đất tái định cư.

Vì thế, UBND TP. Việt Trì đã "chữa cháy" bằng cách làm việc với Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, Sở GTVT, Sở NN&PTNT để cùng thống nhất báo cáo UBND tỉnh đề nghị với Bộ GTVT cho điều chỉnh hướng tuyến từ cột 381A - 398A bằng cột thép đơn thân đi trên dải phân cách 2 m thuộc QL 32C.

Kết quả là 7 cột điện từ 382A - 388A đã được lắp đặt, nhưng không được sử dụng. UBND TP. Việt Trì đã phải tiến hành tháo dỡ, thu hồi và thanh lý. Tuy nhiên, BQL dự án TP. Việt Trì đã thuê đơn vị định giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, song cũng không có đơn vị nào tham gia mua lại số tài sản này. Và UBND TP. Việt Trì quyết định thuê đơn vị tháo dỡ cột điện thu hồi tập kết tại kho để... sử dụng vào công trình khác (?!).

Hiện số tiền chi phí thi công lắp dựng 7 cột điện lãng phí chưa được làm rõ. Tuy nhiên, chỉ riêng số tiền công lắp dựng, thu hồi và tháo dỡ 7 cột điện này, đã gây lãng phí hơn 187 triệu đồng.

Việc sử dụng phương án “chữa cháy” đã dẫn đến những bất cập về thu hồi đất của người dân tại các khu vực chân móng cột điện. Và UBND TP. Việt Trì lý giải “thành phố quản lý đất và có phương án sử dụng!”.

Trước sự việc nêu trên, trách nhiệm của UBND TP. Việt Trì đến đâu? Những tập thể, cá nhân làm việc tắc trách dẫn đến hậu quả và hệ lụy nghiêm trọng, sẽ bị xử lý ra sao?.

Tuấn Ngọc