Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu
Lo ngại trước những hệ lụy nghiêm trọng của việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam vừa đồng loạt kiến nghị Chính phủ ủng hộ việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu, một chủ trương đã và đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh không lành mạnh?
Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3825/VPCP-V.I (“Công Văn 3825”) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, theo đó, đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.
Theo quy định tại Điều 15 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: Ghi nhãn bằng tiếng Việt; In cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá); Dán tem hoặc in mã số, mã vạch; Phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam; Ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng. Hầu hết các chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam (chủ yếu là thuốc lá Jet và Hero, hiện chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) đều không đáp ứng, tuân thủ đầy đủ quy định nêu trên; Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu ban hành kèm theo Thông tư 23/2015/TT-BYT, các loại thuốc lá nhập lậu phổ biến vào Việt Nam hiện nay đều không phù hợp với Quy chuẩn. Cụ thể, Quy chuẩn chỉ cho phép hàm lượng tối đa Tar trong khói 01 điếu thuốc lá là 16,0 mg và hàm lượng tối đa Nicotin trong khói 01 điếu thuốc lá là: 1,4 mg. Tuy nhiên hàm lượng này đối với thuốc lá Jet và Hero (là hai loại thuốc lá chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) lên tới Tar: 19,6 mg/điếu (vượt ngưỡng 12,2%); Nicotine: 2,09 mg/điếu (vượt ngưỡng 49,2%) đối với thuốc lá Jet và Tar: 18,9% mg/điếu (vượt ngưỡng 11,8%); Nicotine: 2,04 mg/điếu (vượt ngưỡng 49,2%) đối với thuốc lá Hero.
Ngay cả đối với thuốc lá điếu nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trước khi làm thủ tục nhập khẩu thương nhân phải gửi mẫu đến cơ quan, tổ chức có chức năng phân tích, kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để phân tích mẫu theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc các quy định an toàn thực phẩm của pháp luật hiện hành của Việt Nam (Thông tư 37/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương về nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà).
Thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, không phải đáp ứng tất cả những yêu cầu chặt chẽ nêu trên, mà vẫn được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa như thuốc lá hợp pháp là không phù hợp với các quy định hiện hành. Cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam.
Hệ lụy có thể nhận thấy ngay từ những phân tích nói trên là sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá.
Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng của thuốc lá nhập lậu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa khi mà doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp phải đóng các loại thuế, quỹ bắt buộc ở mức rất cao (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 70% và sẽ tăng lên 75% từ 1/1/2019; khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5% và sẽ tăng lên 2% từ 1/5/2019; thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%; và đối với thuốc lá nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng lên tới 135%), trả rất nhiều chi phí để tuân thủ các quy định về kiểm soát thuốc lá nhưng lại phải chịu sự cạnh tranh ngang bằng từ thuốc lá nhập lậu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa không phải đóng thuế, không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc tuân thủ quy định về kiểm soát thuốc lá.
Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…
Ảnh minh họa
Đối với việc Tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu: Điều này vừa không thực tế lại vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Đa phần thuốc lá nhập lậu (như thuốc lá JET, HERO hiện chiếm 80%-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực, chỉ được người hút Việt Nam biết đến và thực tế hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Hơn nữa, thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm, được quản lý rất chặt chẽ bởi các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi sản phẩm thuốc lá khi xuất khẩu cũng phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật cơ bản được quy định và áp dụng bởi nước tiếp nhận (Hàm lượng Tar, Nicotine, cảnh báo sức khỏe..). Do không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này không đáp ứng các điều kiện để được nhập khẩu vào quốc gia khác.
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc cho phép tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, không đảm bảo hiệu quả. Việc tái xuất chỉ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, tạo điều kiện để thuốc lá nhập lậu được đưa trở lại Việt Nam một cách dễ dàng hơn và vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.
Việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đã từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2012. Sau hai năm thực hiện thí điểm, thực tế đã cho thấy phương án này có quá nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện. Tại Quảng Trị lực lượng chức năng đã từng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ sau một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, xét về mặt pháp lý tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là không phù hợp với quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (“FCTC”). Theo quy định tại Khoản 4(c) Điều 15 FCTC, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu phải được tiêu hủy. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2371/QĐ-TTg năm 2014 về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (hiện vẫn đang còn hiệu lực) thay thế Quyết định số 1112/QĐ-TTg.
Hiệu quả của việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đối với công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá
Trước khi Chỉ thị 30/CT-TTg năm 2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá (“Chỉ Thị 30”) và Quyết định 2371/QĐ-TTg năm 2014 về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (“Quyết Định 2371”) được ban hành, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn ở mức báo động. Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu (tương đương với khoảng 1.055 triệu bao, 1.065 triệu bao và 990 triệu bao), chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi Chỉ Thị 30 và Quyết Định 2371, công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỷ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao). Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, làm lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng (6,2%). Như vậy, Chỉ Thị 30 và Quyết Định 2371 đang đem lại hiệu quả hết sức tích cực trong công cuộc phòng, chống thuốc lá nhập lậu và cần được tiếp tục duy trì, phát huy, nhất là trong thời điểm Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 306/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2015/TT-BTC, theo đó nâng mức hỗ trợ cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu từ mức 3.500 đồng/bao lên mức 4.500 đồng/bao.
Trước tình hình nhập lậu thuốc điếu đang ngày càng gia tăng, việc cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất là rất nguy hiểm, tạo ra kẽ hở pháp lý nghiêm trọng cho thuốc lá lậu xâm nhập vào Việt Nam. Nguy cơ thuốc lá nhập lậu gia tăng sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Vì vậy, để hạn chế thất thu ngân sách quốc gia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp Thuốc lá Việt Nam khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì thực hiện bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.
Gia Linh
Tin mới
Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả bão lũ
Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương)...
Đề xuất quy định quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương trong DNNN
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, trong đó đề xuất quy định quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương...
Kết quả thực hiện đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2025 có nhiều kết quả tích cực
Ngày 18/9, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh Lạng Sơn do Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu làm trưởng đoàn tiến hành giám sát tình hình, kết quả thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 – 2025 tại Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Xuất hiện vết nứt dài trên đồi ở huyện Sơn Động, di dời khẩn cấp 30 hộ dân
Trong quá trình kiểm tra, Tổ Bảo vệ an ninh trật tự thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang phát hiện vết nứt dài trên đồi, nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng tới một số hộ dân thôn Tuấn Sơn sinh sống dưới chân đồi.
Tập thể Vietbank quyên góp hơn 700 triệu trong 120 phút của lễ phát động kêu gọi ủng hộ đồng bào
Chiều ngày 17/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) phối hợp cùng Quỹ Chí Viễn và Nortfolio tổ chức thành công lễ phát động chương trình ‘Mùa gắn kết – Ngân hàng Việt, vì người Việt’ ủng hộ người dân các tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Hoạt động thu hút gần 2.600 cán bộ nhân viên tại 119 điểm giao dịch tham dự bằng cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp.
Khẩn cấp cứu nạn 8 thuyền viên tàu hàng bị sóng đánh chìm
Chiều 18/9, lực lượng Biên phòng tiếp nhận thông tin một tàu chở hàng bị chìm trên vùng biển Quảng Nam, trên tàu có 8 thuyền viên. Hiện nay, tàu của lực lượng chức năng đang cơ động ra khu vực tàu chìm để hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.
Câu chuyện thương hiệu
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9