Điều hành chính sách tiền tệ cần vừa phải linh hoạt và thận trọng hơn
Thời gian tới, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ cần phải thận trọng hơn với rủi ro lạm phát; linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp.
Các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đánh giá cao về sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Một số tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, những cải thiện trong quản lý nợ công và vị thế đối ngoại tích cực giúp chống chịu với các cú sốc bên ngoài.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, điều hành chính sách tiền tệ hướng tới ba mục tiêu. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt. Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm thì kinh tế đang tăng trưởng tốt. Thứ ba là ổn định an ninh tài khóa, hệ thống ngân hàng quốc gia ổn định, hệ thống của chúng ta đang ổn định. Từ kết quả trên cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khi giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đã cho hay, trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, chúng ta luôn cần đánh giá, xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Nhưng mục tiêu xuyên suốt vẫn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể cần phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu. Ví dụ, để ổn định thị trường ngoại hối, phải chấp nhận tỷ giá, lãi suất tăng lên. Đối với doanh nghiệp, khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhưng với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, chúng ta sẽ có điều kiện để tăng tốc, phát triển hơn. Hoặc đối với tín dụng, nếu nới room tín dụng thì sẽ áp lực đối với thị trường tỷ giá và ngoại hối.
Có thể thấy, thời gian tới, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, các chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp và truyền đạt một cách thận trọng; thận trọng hơn với rủi ro lạm phát; cần linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp. Việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối phải nhất quán. Cũng có ý kiến cho rằng, cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng nhưng cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Cần tiếp tục xử lý nợ xấu trong hệ thống và giám sát chặt chẽ những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.
Bức tranh tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam còn rất nhiều rủi ro, xu hướng tăng trưởng đang chậm lại, hệ thống tài chính-tiền tệ còn nhiều rào cản, vướng mắc, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng. Khuyến nghị một số nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhấn mạnh, chính sách tiền tệ phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để đạt được mục tiêu này, phải thông qua kiểm soát được tốc độ tăng trưởng cung tiền phù hợp đối với tăng trưởng kinh tế, không để vọt lên cao quá như những thời kỳ trước đây. Chính sách tiền tệ phải đặc biệt tuân thủ theo quy tắc, phải minh bạch và có giải trình rõ ràng, tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, một chính sách khó dự đoán, không minh bạch thường gây bất ngờ cho nền kinh tế, từ đó, tạo ra cú sốc rất tiêu cực. Ngược lại, những chính sách tiền tệ được thực hiện theo quy tắc nhất định, chẳng hạn như việc tăng hay giảm lãi suất phải có lý do. “Chúng ta có thể thấy, cả thời gian dài không tăng lãi suất nhưng “đùng một cái” tăng 1 điểm %, vài tuần sau lại tăng 1 điểm %, gây cú sốc bất ngờ cho thị trường", ông Phạm Thế Anh dẫn chứng và nêu quan điểm, những chính sách bất ngờ như vậy khiến cho môi trường kinh tế rất rủi ro và người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.
Một khuyến nghị khác, là chính sách tiền tệ cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tức là những chính sách giám sát sự an toàn của hệ thống. Đó có thể là giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, huy động/cho vay trung dài hạn, nợ xấu,… Đồng thời, chính sách tiền tệ nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, thay vì chính sách neo tỷ giá cứng nhắc như hiện nay. Nếu nhìn lại, so sánh với các nước Asean 5, hiện tại chính sách tỷ giá thả nổi không quản lý, đồng tiền mất giá 9-10%, nhưng họ không vướng vấn đề lãi suất. Lãi suất trong nước tăng 2 con số, trong khi chỉ 3-5%, không có môi trường lãi suất nào cao như Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam phải loại bỏ các can thiệp hành chính. Bởi mục tiêu cao nhất của kiểm soát lạm phát là kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là tiền cơ sở (tiền in ấn mới phát hành bởi Ngân hàng Trung ương), không phải kiểm soát tín dụng, bởi tín dụng là hoạt động phải tuân theo quy tắc thị trường, miễn là các ngân hàng tuân thủ được các chỉ tiêu an toàn hệ thống, các tiêu chuẩn đặt ra thì họ được phép tự do kinh doanh nguồn vốn huy động được.
Đặc biệt, việc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng sẽ khiến cho ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh. "Các ngân hàng tốt hay xấu đều được chia hạn mức tăng trưởng, không ngân hàng nào thị phần giảm sút, hay nói cách khác thị phần của ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh khi vướng trần cho vay. Ngoài ra, việc áp dụng trần tín dụng còn gây hậu quả là dòng vốn có thể "trá hình" sang các dạng khác. Từ đó, kéo theo các can thiệp hành chính khác, hạn chế sự phát triển hệ thống tài chính. Đồng thời, đối diện với nguy cơ chuyển dịch tiết kiệm/tài sản trong nước ra nước ngoài”, TS. Phạm Thế Anh nói.
Do đó, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, Việt Nam nên sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ, thay vào đó, kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền và điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); Tỷ lệ cho vay trên huy động (LTD); Tỷ lệ nợ xấu; Tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Trần Nguyên
Tin mới
Kê khai thông tin với nhà thầu nước ngoài trúng thầu
Ông Phạm Hiếu (TP. Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn kê khai thông tin nhà thầu nước ngoài theo mẫu tại phụ lục 6, kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Chính sách thuế TNDN đối với DN bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão
Ngày 13/9/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4062/TCT-CS về việc hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão...
Giá thép hôm nay 18/9: Tăng nhẹ trên sàn giao dịch
Ngày 18/9, thị trường thép trong nước giữ nguyên giá bán; quặng sắt chịu áp lực trong bối cảnh sản lượng thép của Trung Quốc sụt giảm.
Tàng trữ và mua bán ma tuý, cặp đôi lĩnh án 26 năm tù giam
Với hành vi tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy, Đồng Phúc Phương và Nguyễn Văn Kỷ đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt tổng mức án 26 năm tù giam.
Thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Chiều tối 17/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương (Hà Nội), đã diễn ra phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Cần hơn 136.000 tỷ đồng đầu tư đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh
Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng, dài hơn 206 km, đi qua 5 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Câu chuyện thương hiệu
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9