Đề xuất tăng thuế VAT: Gánh nặng đè vai người nghèo
Nợ công của Việt Nam càng ngày càng lớn, bội chi ngân sách ở mức cao, nhiều nguồn thu thuế thất thoát… Vì thế, việc Bộ Tài chính tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc tăng thuế VAT - sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả DN và NTD.
Tăng thuế sẽ khiến người dân "thắt lưng" buộc bụng...
Đề xuất tăng VAT
VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đây là một loại thuế gián thu, tức là DN đóng hộ người NTD.
Theo như đề xuất của Bộ Tài chính thì, từ ngày 1/1/2019, mức thuế VAT đối với nhóm hàng hóa tiêu dùng sẽ được nâng từ 10% lên 12%. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ bị áp thuế VAT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục; những nhóm còn lại sẽ tăng thuế lên 6%.
Bộ Tài chính cho rằng, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia, kể cả các nước phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bộ Tài chính viện dẫn ví dụ, nhiều nước đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009 – 2016: Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, nhưng đến năm 2014, đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000, lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Với một số nước khu vực Đông Nam Á, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế VAT lần này là do trong quá trình thực hiện, Luật Thuế VAT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc. Theo đó, ở nhóm đối tượng không chịu thuế VAT như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, chuyển quyền sử dụng đất... đã gây khó khăn cho DN và công tác quản lý thuế.
Đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim... đã được xã hội hóa mạnh mẽ, nhưng chỉ bị áp VAT là 5%, điều này là bất bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu VAT 10%.
Bên cạnh đó, việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học... dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Gánh nặng đè vai ai?
Trước đề xuất tăng thuế VAT, người dân, nhất là những người thu nhập thấp không khỏi lo lắng. Trên thực tế, thuế VAT đang được áp dụng đối với rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hằng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại... Do vậy, tăng thuế sẽ làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc trước đề xuất tăng thuế VAT với hàng hóa tiêu dùng của Bộ Tài chính. Bởi, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. NTD, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu - sẽ chiếm một phần lớn hơn so với mức thu nhập.
“Tăng thuế VAT, sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, ông Tự Anh nhìn nhận.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh lên tiếng: “VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới NTD; đồng thời tác động ngược trở lại DN, làm sức cạnh tranh của DN giảm đi”.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam lo lắng: “Việc tăng thuế VAT đồng nghĩa với chi phí đầu vào của DN sẽ tăng lên. Giá cước vận tải, xăng dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành dịch vụ logistics của DN. Hiện tại, chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước trong khu vực và thế giới chỉ chiếm 10 - 13% GDP. Nếu tăng thuế VAT, đồng nghĩa đẩy chi phí logistics tăng cao hơn khiến DN tăng chi phí, hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh trạnh với các nước”.
Cái gốc là giảm chi
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thuế VAT tăng sẽ khiến người dân chi tiêu ít đi, phải “thắt lưng buộc bụng” khi giá hàng hóa tăng. Người dân giảm chi tiêu dẫn tới tiêu thụ hàng hóa giảm, DN buộc phải giảm sản xuất, khi đó nhiều người lao động bị mất việc làm. Do vậy, việc tăng thuế VAT, sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược: Nhà nước tăng thu được số tiền thuế trước mắt, nhưng lại thất thu về sau. Khi sức mua tiêu dùng giảm, DN giảm sản xuất, giảm doanh thu dẫn đến nguồn thu thuế thu nhập DN giảm.
Cũng theo TS. Hiếu, việc tăng thuế chắc chắn là để bổ sung nguồn thu ngân sách. Nhưng Bộ Tài chính lại không đưa ra thống kê cụ thể khi tăng 10% lên 12% sẽ có tác dụng như thế nào với ngân sách, đồng thời với người dân, sẽ bị tác động như thế nào?
“Theo tôi, không nên tăng đồng loạt thuế VAT. Trong trường hợp buộc phải tăng thì có thể xem xét tăng thuế VAT hiện đang ưu đãi ở mức 5% cho dịch vụ vui chơi, giải trí hoặc mang tính chất văn hóa… để có thể có nguồn thu cho Chính phủ”, ông Hiếu góp ý.
Bên cạnh lý do tăng thuế sẽ gây ra “cơn bão” giá, ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.
Theo vị chuyên gia này, điểm mấu chốt là việc nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách, mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp. Tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28 - 29% GDP.
Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, mà còn có nguy cơ tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.
Nhiều chuyên gia nhận định, cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi, chứ không phải nới rộng thu như hiện nay. Rõ ràng, tăng VAT là một giải pháp tình thế và không mang tính bền vững, tác động không tốt đến dân sinh và kinh tế. Trong khi đó, lẽ ra chúng ta cần có những giải pháp căn cơ hơn. Chẳng hạn như giảm chi thường xuyên. Đương nhiên, việc giảm chi thường xuyên cũng phải gắn với tinh giản bộ máy, giảm đầu mối cơ quan hành chính…
“Một khi VAT được quyết định tăng thì cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu ngân sách chẳng những không được xem xét theo hướng siết chặt lại, mà có nguy cơ ngày càng tăng khi dù sao nó vẫn còn tìm được nguồn thu. Hậu quả cuối cùng chỉ có người dân, đặc biệt là những tầng lớp yếu thế, thu nhập thấp bị ảnh hưởng tiêu cực khi những hàng hóa, dịch vụ chất lượng ngày càng xa rời họ” - TS Lưu Bích Hồ nêu ý kiến.
Phan Chinh
Tin mới
Tiêu hủy gần 1.200 đơn vị bánh nhập lậu dịp Tết Trung thu
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Bình vừa tiến hành giám sát tiêu hủy 1.174 sản phẩm bánh các loại nhập lậu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khai trương trung tâm thương mại AEON MALL Huế
Sáng ngày 21/9, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam (AEONMALL Việt Nam) chính thức tổ chức Lễ khai trương AEON MALL Huế, Trung tâm thương mại (TTTM) AEON MALL thứ 7 tại Việt Nam và đầu tiên tại miền Trung.
Tạm giữ hình sự đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối tượng Phan Bá Trọng (SN 1983; trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký chuyển giao công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Long An rà soát đối tượng trong độ tuổi để thực hiện chiến dịch tiêm ngừa sởi
Sở Y tế tỉnh Long An đã có văn bản đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập trung triển khai giám sát và phòng, chống dịch bệnh sởi.
Nguyên Phó Chủ tịch xã bị khiển trách vì vụ 22 biệt thự xây không phép
Ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (đang là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lạc) bị khiển trách vì để hàng chục căn biệt thự xây không phép trên đồi.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM