Đẩy nhanh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Đẩy nhanh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Ảnh: T/L)

Theo kết quả thực hiện dự án 5 (dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - PV), trong 9 tháng đầu năm 2024, các tỉnh đã và đang thực hiện hỗ trợ cho khoảng 17.072 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 53% theo kế hoạch năm 2024 (32.123 hộ); đã giải ngân vốn được cấp từ ngân sách trung ương khoảng 449,350 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,4% theo kế hoạch năm 2024; đã giải ngân vốn ngân sách địa phương là 18,469 tỷ đồng. Một số tỉnh thực hiện hỗ trợ, giải ngân tốt như: Hà Giang 3.801 hộ đạt 93% kế hoạch (giải ngân 74%), Quảng Ngãi 1.490 hộ đạt 97% kế hoạch (giải ngân 40%), Yên Bái (100%), Ninh Thuận (100%).

Một số tỉnh thực hiện hỗ trợ, giải ngân thấp như: Lạng Sơn: 64 hộ (giải ngân 2%), Thanh Hóa: 375 hộ (giải ngân 6%), Đăk Nông: 50 hộ (giải ngân 17,8%), Bắc Kạn: 123 hộ (giải ngân 14%), Lai Châu (giải ngân 18,3%), Sơn La (giải ngân 21,9%), Đăk Lắk (giải ngân 17,8%); các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, An Giang chưa thực hiện giải ngân.

Lũy kế kết quả thực hiện dự án 5 từ đầu Chương trình đến nay, các tỉnh trên toàn quốc đã thực hiện hỗ trợ cho 43.754 hộ, đạt tỷ lệ 47,5% (43.754/92.117 hộ) so với số liệu Đề án của các tỉnh; đạt tỷ lệ 34,51% (43.754/126.780 hộ) so với kế hoạch giai đoạn 2022-2025 của Chương trình; đã giải ngân vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 1.208 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 51,93% (1.208/2.326 tỷ đồng).

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện hỗ trợ của cả chương trình còn thấp, chưa đồng bộ với kết quả hỗ trợ; công tác phân bổ vốn hỗ trợ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã vẫn còn chậm, nhiều địa phương mất thời gian từ 3-5 tháng; việc đối ứng của ngân sách địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế; một số nhà ở còn chưa đảm bảo chất lượng theo quy định.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã trao đổi, thảo luận, báo cáo rõ hơn những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề về đất đai, quy hoạch, nguồn vốn, mức hỗ trợ, công tác giải ngân… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Để dự án 5 được triển khai thực hiện hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát lại số lượng, danh mục đối tượng thụ hưởng, hình thức hỗ trợ trong năm 2024 và cho toàn bộ Chương trình; rà soát toàn bộ nội dung Đề án, có sự điều chỉnh, làm rõ, khẩn trương phê duyệt lại đảm bảo đúng thời gian, quy định; đồng thời, xem xét lại vốn ngân sách đã được phân bổ, cần phân bổ nguồn vốn đến từng xã, huyện và kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội cùng chung tay hỗ trợ đa dạng bằng nhiều cách khác nhau như góp công, góp vật chất, vật liệu… Trong đó, chú ý sắp xếp thứ tự ưu tiên trong hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo theo quy định hiện hành, nhất là những người thực sự khó khăn về nhà ở.

Về mức hỗ trợ, Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của các địa phương, sẽ có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, từ đó điều chỉnh tổng thể, phù hợp với tình hình thực tiễn. Với những vấn đề khác còn khó khăn, các địa phương cần trao đổi trực tiếp với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Bộ Xây dựng luôn quan tâm, đồng hành với các địa phương trong việc triển khai dự án, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đã đặt ra.

Thanh Lam