Lá cờ của Syria và Hezbollah đang bay phấp phới trên một chiếc xe quân sự ở phía tây Qalamoun, Syria (Ảnh: NEO)
Mới đây, trong khi hành động theo yêu cầu của Israel, BBC đã đưa tin Iran bị cho là đang xây dựng một doanh trại quân đội ở căn cứ của các lực lượng vũ trang Syria tại thị trấn Al-Kiswah, cách Damascus chưa đến 16 km về phía nam. Độ tin cậy của thông tin này vẫn bị đặt dấu hỏi, đặc biệt bởi các tuyên bố về một cơ sở chuyển tiếp mới của quân đội Iran đang được thiết lập sẽ cho phép nhanh chóng đưa quân tới Lebanon.
Những hình ảnh do BBC công bố không cho thấy dấu vết của các hoạt động như vậy. Nhưng điều này đã không ngăn được Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay lập tức đưa ra tuyên bố rằng Israel sẽ không cho phép có sự hiện diện quân sự của Iran dọc biên giới nước này. Tel-Aviv đã cho rằng Iran muốn giành được một vị trí chắc chắn trong vùng cao nguyên Golan mà Israel vẫn đang chiếm cứ.
Thậm chí, có thể tìm thấy một số báo cáo nói rằng Iran đang có kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân tại Syria, cho phép các tàu ngầm của nước này tuần tra vùng biển ngay gần bờ biển Israel. Israel cũng cho rằng Tehran muốn đưa tên lửa đất đối đất tới Syria và Lebanon để có thể mở các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Israel.
Cùng lúc, sự thật về việc Israel nhiều lần đơn phương tấn công các vị trí của Syria và Lebanon nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria cũng được cố tình bỏ qua.
Đồng thời, các phương tiện truyền thông ủng hộ Israel cũng đang cố gắng cho thấy cả Washington và Matxcơva đều đang ủng hộ lập trường của Tel-Aviv bằng cách này hay cách khác. Giới truyền thông cho biết vấn đề Iran hiện diện quân sự gần biên giới của Israel đã được Israel bàn luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu trong chuyến thăm của ông tới Israel gần đây. Một số phương tiện truyền thông còn đi xa tới mức cho rằng vấn đề này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận trong chuyến thăm Tehran vào ngày 1/11.
Trong một diễn biến của chiến dịch cung cấp thông tin giữa Tel Aviv và Washington, tuyên bố do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 11/11 có vẻ khá kỳ lạ. Tuyên bố cho biết Nga đã cam kết ủng hộ việc rút quân đội Iran và các lực lượng thân Iran ra khỏi miền tây nam Syria.
Theo tuyên bố này, Washington tin tưởng đây là vấn đề quan trọng vì sự hiện diện của các binh sĩ nước ngoài bị cho là làm suy yếu lệnh ngừng bắn, cũng như đe doạ Israel và Jordan. Washington đã tuyên bố rằng biên bản ghi nhớ ký kết tại Đà Nẵng (bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC) phản ánh cam kết của Mỹ, Nga và Jordan trong việc loại bỏ sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài tại Syria.
Theo Washington, trong số những lực lượng này có quân đội Iran, các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn như Hezbollah Lebanon, các phần tử Hồi giáo cực đoan nước ngoài làm việc với Jabhat al-Nusra và các nhóm cực đoan khác ở tây nam Syria.
Nga rõ ràng rất kiên quyết đánh đuổi những phần tử Hồi giáo cực đoan khỏi Syria, nhưng làm thế nào mà Nga có thể đồng ý trợ giúp Washington đẩy quân đội Iran và các lực lượng thân Iran ra khỏi các vùng lãnh thổ của Syria có chung biên giới với Jordan và cao nguyên Golan vốn đang bị Israel chiếm giữ? Có lẽ Washington muốn Matxcơva bất hòa với Tehran?
Damascus sẽ không thể tồn tại sau cuộc tấn công dữ dội kéo dài 2 tháng của các chiến binh Hồi giáo mà không có sự hiện diện của quân đội Iran. Và sau đó, điều gì sẽ xảy ra với các căn cứ quân sự của Nga tại Syria?
Kỳ lạ nhất là một nhà báo tài năng và nổi tiếng người Israel là Barak Ravid đã có bài đăng trên Twitter nói rằng:
Mỹ, Nga và Jordan đã ký bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận ngừng bắn ở miền nam Syria, trong đó các vùng đệm sẽ được thiết lập. Các bên đã bổ sung một điều khoản mà theo đó 3 nước sẽ bảo đảm việc tất cả các lực lượng của Iran rút khỏi những khu vực này.
Một thời gian ngắn trước đó, ông Ravid đã dẫn nguồn tin cho biết các quan chức Israel tổ chức các cuộc hội đàm bí mật với các đại diện của Nga và Mỹ vào đầu tháng 7 vừa qua, trong đó có thỏa thuận về việc tạo ra các khu vực giảm leo thang ở miền nam Syria.
Ông cũng tuyên bố rằng trong các cuộc họp này, các quan chức cấp cao của Israel đã phản đối một thỏa thuận có thể đạt được giữa Nga và Mỹ do nó không có điều khoản về việc các lực lượng vũ trang của Iran rút khỏi Syria. Vì rõ ràng là họ sẽ ở lại đó ngay cả khi cuộc xung đột tại Syria chính thức chấm dứt.
Kì lạ là sau khi chính thức công bố các điều khoản trong thỏa thuận về Syria, Tel-Aviv lại lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước sự thật cái gọi là "yếu tố Iran" không được xét đến trong thỏa thuận này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã miêu tả thoả thuận thiết lập một khu vực giảm leo thang ở miền nam Syria là "một thỏa thuận rất tệ", vì nó hợp pháp hoá sự hiện diện của quân đội Iran ở nước này.
Vào ngày 16/7, ông Netanyahu đã thảo luận vấn đề "khu vực giảm leo thang ở miền nam Syria" với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Theo TS. Lvov, đây là lúc thích hợp để nhắc lại rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hamburg.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 9/7, bao gồm lãnh thổ của các tỉnh Daraa, Kuneitra và Al-Suwayda, trong đó có các khu vực sát biên giới Israel và Jordan. Hiệp ước giữa những người ủng hộ và những người chống đối chính quyền Bashar al-Assad đã được ký kết nhờ sự hòa giải của Nga, Mỹ và Jordan.
Vào ngày 8/7, tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng quan điểm của Washington đã trở nên thực tế hơn. Ông Putin tuyên bố các cuộc hội đàm giữa tất cả các bên liên quan đã dẫn đến việc soạn thảo một thỏa thuận về khu vực giảm leo thang ở miền nam. Nhìn chung, kế hoạch hòa giải do Matxcơva và các đồng minh đưa ra ngụ ý rằng chính quyền Bashar al-Assad sẽ tiếp tục duy trì quyền lực, trong khi các khu vực giảm leo thang mới thiết lập sẽ giảm bớt các hành động thù địch ở miền nam Syria.
Đồng thời, mục tiêu chung là đánh thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi mục tiêu trung gian là nối lại sự phối hợp giữa quân đội Nga và Mỹ tại Syria nhằm tránh các xung đột bất ngờ. Vào ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố rằng Washington sẵn sàng xem xét khả năng hợp tác với Nga thiết lập các khu vực cấm bay cùng với các cơ chế khác để đảm bảo sự ổn định.
Trong bối cảnh này, báo Haaretz của Israel đã đưa tin Tel-Aviv nhất quyết đòi các khu vực giảm leo thang phải đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ. Lãnh đạo Israel đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ không chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Iran hay Hezbollah Lebanon ở các khu vực sát biên giới nước này.
Vào ngày 9/7, trong khi đang bình luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã tuyên bố rằng Israel vẫn có toàn quyền tự do hành động, mặc dù điều này mâu thuẫn với các thỏa thuận giữa hai ông Trump và Putin. Do đó, vấn đề ai sẽ đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ở miền nam Syria vẫn chưa được giải quyết.
Tranh chấp trong việc ai sẽ kiểm soát các khu vực giảm leo thang gần Daraa đã trở thành một điểm gây bất đồng giữa các nước trong khu vực (ảnh: NEO)
Vì vậy, theo TS. Lvov, đang có những thông tin trái ngược. Cho đến nay, người ta dường như đang tin vào những gì được đề cập trong tuyên bố chung của Nga-Mỹ ngày 11/11 về thành công của sáng kiến ngừng bắn, nghĩa là việc giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài và các chiến binh nước ngoài ở miền nam Syria nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài hơn.
Trung tâm Giám sát Amman sẽ cùng với các chuyên gia đến từ Nga, Jordan và Mỹ tiến hành giám sát việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn của các bên. Song TS. Lvov lưu ý rằng mặc dù tuyên bố đề cập tới tiến trình hòa bình Geneva, không có một chữ nào nhắc đến các cuộc hội đàm ở Astana. Điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã bị cho ra ngoài.
Thậm chí trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Matxcơva đã là bên duy nhất tham gia cuộc xung đột tuyên bố rút quân khỏi Syria, chỉ để lại hai căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi lặp đi lặp lại từ Riyadh và Tel Aviv nhằm giải quyết vấn đề Syria theo ý đồ của riêng họ gây nguy hại tới các nỗ lực quốc tế. Sự leo thang của cơn cuồng loạn chống Iran cho thấy rõ ràng là khu vực này đang rơi vào một tình thế nguy hiểm.
Trong những ngày gần đây, thế giới đã quan sát làm cách nào mà Riyadh được cho là đã sẵn sàng để bắt đầu một cuộc chiến chống lại Iran và Hezbollah ở Syria và Lebanon. TS. Lvov cho rằng những tham vọng của thái tử Ả Rập Xê-út Muhammad bin Salman đã đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông đến bên bờ vực.
Trong khi đó, người ta muốn tin rằng điều hợp lý cuối cùng sẽ thắng thế và Tel Aviv sẽ không dính dáng đến một cuộc phiêu lưu quân sự nào khác cùng với thái tử Ả Rập Xê-út, người rõ ràng đang bị thúc đẩy bởi tham vọng không kiểm soát được của mình. Vì ông không chỉ đang mạo hiểm kéo các nước láng giềng của Syria vào một cuộc xung đột lớn, mà cả những thế lực toàn cầu như Nga và Mỹ cũng có thể thấy mình bị lôi vào đó, TS. Lvov cảnh báo.
Hồng Nhung - VietTimes