Đảm bảo đồng bộ chính sách đặc thù làm đòn bẩy phát triển
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tạo sức lan tỏa trong khu vực
Các đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chỉ rõ, 6 nhóm chính sách cho từng địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và 8 nhóm chính sách cho Thanh Hóa là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù, được xây dựng dựa trên những đề xuất, phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm nhu cầu, điều kiện của địa phương. Đây là cơ hội để địa phương đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng, từ đó tạo sức lan tỏa, sức kéo trong khu vực.
Đối với ý kiến băn khoăn về việc 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh Bắc Trung bộ được hưởng cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh lớn; nếu tạo ra những động lực để 2 tỉnh này phát triển sẽ tác động lớn đến dân số, các điều kiện để phát triển vùng Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, Thanh Hóa là điểm kết nối 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, vùng Bắc Trung bộ. Nghệ An là tỉnh có trên 400km đường biên giới, phát triển khu vực biên giới Tây Bắc Nghệ An không chỉ phát triển một vùng rộng lớn mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. "Với ý nghĩa đó, việc chọn đề xuất các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù là hợp lý. Việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm này là đúng thẩm quyền, đủ pháp lý về chính trị, thực tiễn", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh, có thể "vượt rào". Nhưng để đảm bảo an toàn, hiệu quả thì nên có thí điểm. Các địa phương đều có lợi thế, đặc điểm riêng, cần cơ chế đặc thù để phát triển nên cần có sự ưu tiên, lựa chọn đầu tư trước một số tỉnh, thành phố có tiềm năng, thế mạnh hơn để làm đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ các địa phương khác.
Thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận định, cả 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế đều có nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị cho chiến lược phát triển nhanh từng địa phương, trong đó phần giải pháp có nói đến việc tháo gỡ cơ chế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa kinh tế tự nhiên, văn hóa truyền thống, tạo động lực cho sự phát triển nhanh. Do vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm cơ chế đặc thù là nhằm cụ thể hóa những chủ trương trong Nghị quyết Bộ Chính trị.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhất trí với dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương Đảng, Nhà nước trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này. Trong quá trình thực hiện, đại biểu lưu ý, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực thi hành của các nghị quyết, đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện cơ chế đặc thù. Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành kịp thời làm việc với các địa phương để xử lý các vướng mắc nếu có. Thành ủy, tỉnh ủy các địa phương phát huy tinh thần tự lực tự cường, đảm bảo đồng bộ các chính sách đặc thù làm đòn bẩy phát triển.
Tại phiên họp, có ý kiến băn khoăn rằng, liệu việc thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế có tạo cơ chế xin – cho. Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) ví von 63 tỉnh, thành phố trong cả nước chính là 63 người con với những năng lực khác nhau, tiềm năng, lợi thế khác nhau. “Trừ Luật Thủ đô với những cơ chế riêng cho Thủ đô Hà Nội thì 62 tỉnh, thành phố còn lại đều chung một nền tảng pháp lý. Nếu không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó có thể kích hoạt được lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành phố”, đại biểu nhấn mạnh. Mặt khác, theo đại biểu Lê Thanh Vân, vì nền tảng pháp lý chưa có nên cần thí điểm mô hình để từ đó phân loại các địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm.
Về cơ sở của việc thí điểm, đại biểu Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh, đã có cơ sở chính trị, đó là nghị quyết của Bộ Chính trị dành cho từng địa phương, quy định của Hiến pháp hay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm. Ngoài ra, thực tế cho thấy, nhiều địa phương chưa có tháo gỡ về mặt cơ chế. Do đó, lần này Chính phủ và Quốc hội dự kiến thí điểm ở 3 mức độ là trao quyền cho các địa phương, trao quyền về phí, lệ phí và điều chỉnh tỷ lệ phân chia.
Làm rõ hạn mức dư nợ vay
Tại phiên thảo luận, các nội dung liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch; về một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính phù hợp với đặc thù của địa phương; ảnh hưởng, tác động của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.
Về chính sách dư nợ vay, dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phân tích, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20%. Tuy nhiên, thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại.
Ví dụ, tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa là 2636 tỷ đồng nhưng dư nợ vay cuối năm 2021 chỉ mới đạt được 27% dư nợ cho phép. Tính theo mức 60% được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, mức dư nợ được phép vay là 7909 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với sử dụng hiện tại.
Tương tự, Nghệ An cũng chưa sử dụng hết mức trần theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tổng kết các địa phương đều cho thấy, mức dư nợ cho vay thực hiện đều thấp hơn mức Quốc hội cho phép. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng, hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay, các khoản nợ vay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Điều 11, 12 của Nghị định 93/NĐ-CP/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương.
Liên quan đến việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật.
Cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: Việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh, thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự thảo Nghị quyết quy định: “Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước... và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, các đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm tăng cường nguồn lực cho công tác trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị bổ sung quy định “Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ xổ số kiến thiết”.
TTX
Tin mới
Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo khắc phục mưa lũ
Nhằm tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công điện gửi các tổng cục; các quân khu 1, 2, 3; quân chủng; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 12; các binh đoàn 11, 12, 18; các binh chủng...
Nhiều nơi tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng, tránh mưa lũ
Đến nay, nhiều địa phương vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học để tránh ngập lụt sau cơn bão số 3.
Cà Mau bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2024
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã tổ chức triển khai kế hoạch và tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu năm 2024.
Ngàn quà tặng “chất” tri ân chủ thẻ tín dụng Bac A Bank
Mở thẻ tín dụng quốc tế BAC A BANK MasterCard và tận hưởng quà tặng thiết thực nhân dịp BAC A BANK đón tuổi 30: Ô cán gập thời trang cùng loạt ưu đãi bất tận dành cho chủ thẻ.
Nam Định tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa bão, lụt
Sở Y tế tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn 1890, đề nghị các đơn vị y tế cấp huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm mùa bão, lụt tại địa phương.
Hiệu lực kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện
UBND các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền - quy định tại Luật Đất đai năm 2013...
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào