Kỳ cuối:
Chiến công vang dội
Bộ Thống soái Tối cao nhất trí số mệnh của quân Mỹ ngụy - đã được định đoạt sau chiến thắng to lớn của Chiến dịch Buôn Mê Thuột. Nhưng hôm nay (30/4) mới thực sự xóa xổ chúng, chỉ tính từng giờ, hoặc sáng, trưa, chậm là tối nay mà thôi.
Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh: TL)
Động viên kịp thời
Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong những năm 1972 – 1979 - cố Trung tướng Lê Hữu Đức:
“Từ khi anh Lê Trọng Tấn ra phía trước trực tiếp Chiến dịch Đà Nẵng, Huế, chỉ huy cánh đông và Tư lệnh phó Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cao Văn Khánh thay. Các đêm trước, cứ khoảng 21 - 22 giờ, anh Khánh đã nói thêm với tôi: “Thôi Đức cố gắng thức với anh em. Mình phải về để bà xã cho bát cháo gà mới đủ sức ngày mai tiếp tục được”.
Nhưng hôm nay, anh ở lại cơ quan. Thỉnh thoảng, anh ra hành lang làm một vài động tác để đỡ căng thẳng. Về sau, tôi mới biết, sức khỏe của anh lúc này đã giảm, vậy mà vẫn cố gắng với anh em. Thật đáng quý biết bao.
Các anh Hoàng Văn Thái, Trần Quý Hai dự các hội nghị Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương, giao ban hàng ngày của Bộ vào buổi sáng thì hôm nay, hai anh cùng các đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ, Trần Văn Quang, Trần Sâm vào Phòng trực ban của Cục nắm thêm tình hình trước khi ra về, cả buổi sáng và buổi chiều.
Đã dự giao ban đặc biệt vào lúc 19 giờ, nhưng các đồng chí vẫn tới nắm tình hình mới nhất lúc 22 - 23 giờ. Ngoài ra, các đồng chí thủ trưởng các tổng cục, các cục đã dự giao ban buổi 19 giờ vẫn tới và được thông báo những tin tức phút chót.
Vào khoảng 20 giờ, Bộ phận Tổng hợp tình hình chung của Cục phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) thông báo tình hình cho Đại diện Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương để kịp động viên cán bộ, chiến sỹ và đồng vào cả nước”...
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh TL)
Quyết không thương lượng!
Sáng 30/4, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã tới phòng họp ở Nhà Con Rồng rất sớm. Các đồng chí khác lần lượt tới đầy đủ và rất phấn khởi.
Mọi người đều vui vẻ chắc sáng nay là xong, chậm cũng là chiều nay. Trên bàn họp, tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định trải rộng, các mũi tên lớn tô đậm đã áp sát ven đô, các cửa ngõ vào thành phố, chi chít, dày đặc, mới trông giống hệt một tổ kén, vây kín và thít chặt quân địch còn lại.
Cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo tình hình:
Hướng Quân đoàn 2, bộ đội thọc sâu được Trung đoàn Đặc công 115 dành đường, đã vượt cầu Đồng Nai, phát triển về Thủ Đức, gặp địch, ta chỉ để lại một bộ phận cùng lực lượng tại chỗ đánh địch. Đại bộ phận thọc sâu lên cầu Rạch Chức. Các lực lượng khác đã phát triển ra xa lộ Sài Gòn, hoàn toàn kiểm soát thị xã Vũng Tàu.
Hướng Quân đoàn 4 tiêu diệt bọn địch cụm tại Hố Nai, bắt đầu tiến về nội đô. Hướng Quân đoàn 3 đã chiếm ngã tư Bảy Hiền, đang phát triển tiến đánh cổng số 5 sân bay và khu vực Lăng Cha Cả.
Hướng Quân đoàn 1, sau khi tiêu diệt vị trí Lái Thiên, tiến về cầu Bình Phước. Hiện tại, Tiểu đoàn 8 Đặc công đánh chiếm giữ cầu từ 7 giờ, triển khai tiêu diệt Lữ đoàn 3 kỵ binh, đang tấn công khu bộ tư lênh các binh chủng địch.
Các bộ phận khác tiêu diệt và bức hàng quân địch ở Phú Lộc, phần lớn là Sư đoàn 5 ngụy; phát triển về An Lộc tiêu diệt nốt lực lượng còn lại của Sư đoàn 5 ngụy.
Hướng tây và tây nam, lực lượng thọc sâu đã tới ngã tư Bảy Hiền, các lực lượng khác chiếm toàn bộ khu Hậu Nghĩa, trên sông Vàm Cỏ, có bộ phận diệt bốt cảnh sát quận 8, chiếm cầu Như Thiên Đường và đang phát triển về cầu chữ Y.
Đặc biệt, Sư đoàn 5, từ 5 giờ đã vận động tiến công tiêu diệt và bức hàng bộ phận lớn Sư đoàn 22 ngụy. Địch phản ứng yếu ớt, có ngoan cố chống đỡ một ít ở Thủ Đức, ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Hố Nai…
Các đồng chí lãnh đạo tập trung nghe báo cáo và nhắc cần theo dõi tình hình tác chiến phía Quân khu 9 và Quân khu 8. Đồng chí Phạm Văn Đồng hỏi vui: “Vậy là chắc ăn và ăn to chứ đồng chí Đức?”.
Mọi người đều cười. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo theo dõi tình hình qua đài bán dẫn nhỏ đặt trên bàn họp.
Khi nghe tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn và đề nghị thương lượng với Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam, thì hầu hết các đồng chí đều đồng loạt nói:
“Còn gì nữa mà thương lượng. Phải kiên quyết tiến công tiêu diệt sạch, giải tán chính quyền nguỵ từ trung ương đến cơ sở, phải làm triệt để”!
Đồng chí Võ Nguyên Giáp cầm bút thảo bức điện, đọc to để mọi người cùng nghe. Điện ký tên đồng chí Lê Duẩn.
Nội dung của bức điện:
“Bộ Chính trị và Thường vụ Quân uỷ Trung ương Chỉ thị:
1/Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn theo đúng kế hoạch tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng;
2/Công bố đặt thành phố Sài Gòn dưới quyền của Uỷ ban Quân quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch...
Ký tên: Ba”.
Lúc đó là 10 giờ ngày 30/4. Cùng thời gian này, tại chiến trường, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng đã kịp thời lệnh cho các quân khu, quân đoàn và đơn vị địa phương, dùng điện báo - báo cáo Bộ.
Nội dung điện:
“…1/ Các Quân khu, quân đoàn, đơn vị tiếp tục phát triển tiến công thật nhanh vào các khu vực và mục tiêu đã quy định trong thành phố.
2/ Kêu gọi quân địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí; bắt giữ và tập trung các sỹ quan địch từ cấp tá trở lên.
3/ Nếu chỗ nào địch chống lại thì lập tức tấn công tiêu diệt ngay.
Ký tên Tuấn + Bảy Cường”.
Niềm vui chiến thắng
Giải phóng Sài Gòn
Cán bộ Cục Tác chiến vừa cầm bức điện chuyển qua cho Cơ yếu, thì đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng Tổng hợp (Cục Quân báo - nay là Tổng cục II) vào báo cáo:
“Theo tin Kỹ thuật vừa nhận được của Đài Phát thanh Nhật thì, Quân Giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu đã tiến vào trung tâm Sài Gòn”.
Hội nghị tạm nghỉ.
Cục trưởng Cục Tác chiến: “Tôi hiểu các anh đang mong tin 5 cánh quân tiến vào chiếm 5 mục tiêu chiến lược, quét sạch hang ổ cuối cùng của một chế độ tay sai...”.
Đồng chí Thanh lại lên báo cáo: “Đại sứ Mỹ Mac-tin chạy khỏi Sài Gòn bằng trực thăng hồi 4 giờ 15”.
Đúng lúc tin chiến thắng đang mong đợi đã đến. Bộ đội thọc sâu của Quân đoàn 2 có Tiểu đoàn Biệt động phối hợp cùng đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, sau đó về cầu Sài Gòn.
Vào hồi 10 giờ 30, có nữ đồng chí Nga biệt động dẫn đường, ta đã vào Dinh Độc lập, bắt toàn bộ nguỵ quyền trung ương Sài Gòn, buộc chúng phải lên Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Ta cắm cờ Cách mạng trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30. Phía Quân đoàn 4, đơn vị thọc sâu gồm Sư đoàn 7, sau khi tiêu diệt địch ở ngã ba Tam Điệp, đến 9 giờ đang tiến vào Sài Gòn theo cầu xa lộ Đồng Nai.
Phía Quân đoàn 3, Sư đoàn 10 sử dụng Trung đoàn 24 từ ngã tư Bảy Hiền đánh thẳng cổng 5, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh Dù địch, bắt liên lạc với Phái đoàn ta ở Trại Đa Vít, chiếm Khu thông tin, Bộ Tư lệnh Không quân ngụy, đang phát triển vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Trung đoàn 28 có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, từ Lăng Cha Cả diệt bọn dù ra ngăn cản, phát triển đánh chiếm cổng 1 Bộ Tổng Tham mưu, chiếm khu làm việc của Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Vào khoảng 11 giờ, ta treo cờ Cách mạng tại Bộ Tổng Tham mưu và khu nhà làm việc ngụy. Phía Quân đoàn 1, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320 - đơn vị thọc sâu), từ ngã tư cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu, tiêu diệt Sư đoàn 3 kỵ binh còn lại của địch, bắt xe tăng địch dẫn đường thọc sâu vào cổng 2 Bộ Tổng Tham mưu ngụy; lúc 11 giờ, đánh chiếm khu trung tâm hành quân.
Lực lượng Biệt động có 3 tổ (21 đồng chí), ta treo cờ Cách mạng ở cổng số 3. Như vậy, có 3 đơn vị gồm: Lữ đoàn 10 (Quân đoàn 3), Sư đoàn 320 (Quân đoàn 1) và một bộ phận Lực lượng Biệt động nội thành đã cùng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Hướng tây và tây nam: Sư đoàn 9 (đơn vị thọc sâu), từ 10 giờ, đánh chiếm Biệt khu thủ đô ngụy, bắt tướng Lâm Quang Phát đầu hàng. Trung đoàn 24 tác chiến Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngụy lúc 10 giờ 30.
Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, ta đã đánh chiếm xong 5 mục tiêu chiến lược chủ yếu của địch. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã chiến thắng rực rỡ. Tính từ lúc nổ súng đến khi kết thúc là 3 ngày rưỡi; riêng giải phóng nội đô Sài Gòn là 6 tiếng (5 giờ 30 - 11 giờ 30).
Các đồng chí ra về vừa rộn ràng, vừa vui nghẹn ngào, xúc động.
Đồng chí Phạm Văn Đồng (Anh Văn) nói: “Giá lúc này mà còn Bác”!
Tất cả mọi người đều chững lại.
Tất cả đều nhìn về bức ảnh to của Bác treo trên tường, ai nấy mắt đều chớm đỏ. Lúc này đã 12 giờ 25.
Vừa được tin ta đã cắm cờ trên Dinh Độc lập. Bộ phận Tổng hợp tình hình chung cùng Cục Tuyên Huấn thống nhất báo cho Đài Phát thanh Trung ương phát đi những thông tin nóng hổi, phấn khởi mà mọi người Việt Nam đang mong đợi…
Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hơn lúc nào hết phải được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, kết thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo điều kiện củng cố vững chắc độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa…
Xuân Phong