Sân bay quốc tế Phnom Penh được bày trí hai tấm ảnh pano khổ lớn chân dung Quốc vương Norodom Sihamoni và Chủ tịch nước Tô Lâm, cùng dòng chữ song ngữ bằng tiếng Campuchia và tiếng Việt “Việt Nam-Campuchia: Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Campuchia; Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia muôn năm”.

Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhận được sự chào đón nồng nhiệt, thân tình và trang trọng nhất của lãnh đạo, người dân đất nước Chùa tháp. Dọc tuyến đường vào và trước cửa Hoàng cung, hàng nghìn thanh, thiếu niên, học sinh, nhân dân thủ đô Phnom Penh mang ảnh chân dung Quốc vương Norodom Sihamoni và Chủ tịch nước Tô Lâm vẫy cờ, hoa chào đón Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước là dấu mốc củng cố, vun đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Campuchia. Đúng như lời Quốc vương Norodom Sihamoni khẳng định, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như của Chủ tịch nước đối với mối quan hệ gắn bó thân thiết và tin cậy giữa Việt Nam và Campuchia. Chuyến thăm là dấu son mới, góp phần tô thắm hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.

Sự tin cậy, đoàn kết, gắn bó và hy sinh cho nhau giữa Việt Nam và Campuchia trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, trở thành chân lý không thể phủ nhận. Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen dành nhiều lời bày tỏ tình cảm, khắc ghi sự giúp đỡ, hy sinh của Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước Campuchia.

Khẳng định về quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, Chủ tịch Hun Sen nhấn mạnh kiên quyết không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Tin cậy chính trị gia tăng, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Hun Sen nhất trí rằng sự ổn định, hòa bình và phát triển của nước này cũng là lợi ích của nước kia.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước Mê Công, đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, cùng nhau vượt qua thăng trầm của lịch sử. Gặp mặt các cựu lưu học sinh Campuchia học tập tại Việt Nam, cũng như phát biểu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Hoàng gia Phnom Penh, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, là quốc gia láng giềng có truyền thống đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời và cùng chia sẻ ngọt bùi với dân tộc Campuchia trong mọi hoàn cảnh, Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với Campuchia với mong muốn hai đất nước, hai dân tộc cùng tiến bước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, hai nước càng cần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ đi trước. Hai nước cùng quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hiểu đúng về truyền thống tốt đẹp đó để có trách nhiệm tiếp tục vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống.

Sự tin cậy trong phát triển kinh tế, hoạt động thương mại cũng được thể hiện rõ, khi trong hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Hun Manet khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Campuchia nhằm tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân hai nước.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2024, thương mại hai nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại, khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm và kỳ vọng cả năm 2024 đạt 10 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN.

Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.

Trong số những doanh nghiệp đầu tư tại Campuchia, Công ty viễn thông Metfone, doanh nghiệp do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) liên doanh cùng đối tác Campuchia đầu tư tại Vương quốc Campuchia, trở thành nhà mạng viễn thông lớn nhất Campuchia cả về số lượng thuê bao, doanh thu và mạng lưới; tạo khoảng 30 nghìn việc làm gián tiếp; triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội. Công ty cũng đồng hành cùng Chính phủ Campuchia triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Chính phủ và các bộ, ngành của Campuchia, trở thành cầu nối vững chắc giữa Việt Nam và Campuchia.

Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định đây là điển hình cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia và hy vọng công ty tiếp tục là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ, chuyển đổi số tại Campuchia; tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cùng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia và vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Campuchia đưa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước đi vào giai đoạn phát triển mới; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước; tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như tình đoàn kết ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng Campuchia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sớm đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2050.

Chủ tịch Hun Sen tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới và hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. “Sự phát triển của Việt Nam cũng sẽ giúp hai nước láng giềng Campuchia và Lào phát triển” - Chủ tịch Hun Sen khẳng định.

Theo Báo Nhân Dân