Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn (PLRTN) đối với các khu dân cư, tổ dân phố, trường học các cấp thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tổ chức 450 hội nghị, hoạt động tuyên truyền và triển khai 200 mô hình PLRTN trên địa bàn thành phố.
Tại trường học các cấp Công ty đã thực hiện 47 hội nghị tuyên truyền tại trường Đại học; trường THCS; trường Tiểu học; trường Mầm non. Tại các trường học sau hội nghị tuyên truyền, thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên đã tích cực hưởng ứng và chung tay thực hiện PLRTN (hữu cơ, vô cơ) tại nhà trường.
Chương trình hội nghị tuyên truyền tại trường đại học, cao đẳng, trường THPT nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung qua hình ảnh và video về công tác PLRTN, tăng cường tương tác, trao đổi trực tiếp với các em học sinh, sinh viên với chương trình đa dạng, phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi. Tạo ra một hoạt động trải nghiệm bổ ích và lý thú để các em học sinh nhận thức rõ bảo vệ môi trường không còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà cần phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Tại các trường học cấp 1, cấp 2, trong chương trình tuyên truyền, các em được giao lưu tìm hiểu các cách phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, hoạt động tái chế rác hữu cơ, tổ chức các chương trình văn nghệ của các em học sinh với chủ đề về bảo vệ môi trường; giao lưu, chia sẻ, tuyên truyền, trao đổi trực tiếp tại sân trường với nhiều nội dung, hình thức thể hiện phong phú (thực hiện nhiều câu hỏi về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn, các câu hỏi dễ hiểu để các em trả lời...); trò chơi “Phân loại rác tại nguồn; vẽ tranh chủ đề PLRTN, bảo vệ môi trường.
Tại các trường Mầm non, công ty thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn PLRTN cho các cô giáo, các cô phụ trách bếp ăn bán trú để cùng chung tay thực hiện PLRTN tại trường và tại gia đình.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, mô hình phân loại rác tại nguồn tại các trường học trên địa bàn thành phố đã lan tỏa sâu rộng đến các các trường học các cấp. Từ đó, các em học sinh các em học sinh đã nâng cao nhận thức, hành động, hiểu biết về các loại rác thải, biết cách phân loại rác thải đúng cách và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, từ đó lan tỏa tới gia đình, tạo nên sự thay đổi trong xã hội về hành động bảo vệ môi trường. Đồng thời, các em học sinh của nhà trường sẽ trở thành những tuyên truyền viên gửi thông điệp “Hãy bảo vệ môi trường bằng hành động Phân loại rác tại nguồn” đến tất cả mọi người.
Quỳnh Nga